Phong phú chủng loại cây dược liệu
Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, cho biết: Nhiều công trình nghiên cứu về cây dược liệu đã chỉ ra rằng: Ninh Thuận hoàn toàn có khả năng phát triển một số loài dược liệu đặc hữu có tính dược liệu cao. Điển hình như cây sa nhân ngoài công dụng làm dược liệu còn dùng để chiết xuất tinh dầu làm hương liệu gia vị thực phẩm. Quá trình khảo sát cho thấy, tỉnh ta có 6 loài sa nhân, trong đó loài sa nhân tím hiện trong nước và thế giới có nhu cầu rất cao. Sa nhân thường mọc dưới tán cây và phân bố đều tại các vùng rừng núi trong tỉnh. Một công trình nghiên cứu khác về cây dây khai cho thấy có công dụng chữa đau nhức khớp, tiêu hóa được nhiều người dân sử dụng phổ biến và lưu truyền từ rất lâu, chúng mọc nhiều ở các vùng rừng núi thuộc huyện Ninh Sơn và xã Phước Thành (Bác Ái). Hoặc cây xáo tam phân, loài dược liệu quý xuất hiện nhiều tại các vùng đồi núi thấp từ xã Xuân Hải (Ninh Hải) đến xã Lợi Hải (Thuận Bắc), vùng ven biển thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), xã Phước Dinh (Thuận Nam), khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa. Ngoài ra, còn có nhiều loài có dược tính cao như: Ké hoa vàng, đầu ngựa, củ bình vôi, cây cối xay, tô mộc, mã tiền, tọa dương, hà thủ ô trắng, hoàng đằng, hoàng kỳ nam…
Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố kiểm tra vườn đinh lăng trồng thử nghiệm.
Từ nguồn dược liệu tự nhiên phong phú đó, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã khai thác, sử dụng và hình thành các làng nghề bốc thuốc truyền thống với kinh nghiệm hàng trăm năm. Trong đó, nổi tiếng nhất là nghề bốc thuốc Nam của người Chăm ở xã Xuân Hải (Ninh Hải). Toàn xã hiện có hơn 1.200 hộ gia đình hành nghề bốc thuốc Nam với 12 đại lý thuốc lớn nhỏ. Đó là chưa kể đến hệ thống các phòng thuốc, nhà thuốc và các cơ sở khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
Đánh thức tiềm năng
Trước đây, việc trồng cây dược liệu ở tỉnh ta chỉ tồn tại ở quy mô nhỏ, manh mún, dừng lại ở mức bảo tồn hoặc phục vụ nhu cầu của một số hộ dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở tỉnh ta đã được đánh thức từ việc một số cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực này.
Đầu tiên phải kể đến mô hình trồng cây xáo tam phân dưới tán cây xoài với quy mô khoảng 200 cây của ông Nguyễn Văn Thiệu tại thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Mô hình được ông triển khai từ năm 2012, đến nay, mỗi gốc xáo tam phân cho thu hoạch 5-6 kg rễ tươi. Với giá bán 1 triệu đồng/kg, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông. Hiện ông đã tự nhân giống và mở rộng quy mô.
Ngoài ra, còn có mô trồng thử nghiệm cây đinh lăng theo tiêu chí GACP của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Qua quá trình nhân giống và trồng thử nghiệm 80.000 cây đinh lăng lá nhỏ trên diện tích 2 ha bước đầu cho thấy sự thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Ở quy mô lớn hơn, có thể kể đến dự án trồng cây nhàu và cây đinh lăng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thiên Đường tại huyện Thuận Bắc dự kiến triển khai vào tháng 8 tới, với quy mô ước tính ban đầu khoảng 10 ha. Hoặc Dự án Trồng cây ăn trái và dược liệu tại xã Phước Tiến (Bác Ái) đang được triển khai của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận. Vừa qua, một tập đoàn dược phẩm của Canada đã có chuyến khảo sát thực địa tại xã Lợi Hải (Thuận Bác) để tìm hiểu nhằm triển khai đầu tư dự án 150 ha cây xáo tam phân tại khu vực này. Trong tương lai gần, khi được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chấp thuận, tỉnh ta sẽ triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh một số loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái” thuộc Chương trình nông thôn miền núi thực hiện năm 2020, do Sở KH&CN đề xuất.
Mặc dù chỉ ở giai đoạn khởi điểm, nhưng những mô hình, dự án trên đã cho thấy tiềm năng phát triển nguồn dược liệu ở tỉnh ta đã được đánh thức. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những loại cây có giá trị kinh tế thấp bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, vấn đề còn lại là các ngành chức năng cần có cơ chế phối hợp đề ra biện pháp tổ chức sản xuất hợp lý gắn với chế biến, tìm đầu ra sản phẩm; quy hoạch vùng chuyên canh, xen canh cây dược liệu; nghiên cứu chính sách khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu.
Ngọc Diệp