Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), hiện nay trà bắp sớm (3 tháng tuổi) đang ở giai đoạn chuẩn bị trổ cờ, trà bắp muộn (1- 2 tháng tuổi) phát triển thân, lá tốt. Nông dân ở các địa phương sản xuất bắp theo mô hình cánh đồng lớn đang rất phấn khởi nhờ có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trong hướng dẫn chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, nên đã ngăn chặn được các loại sinh vật gây hại. Tuy vậy, hiện nay đã xuất hiện sâu keo mùa thu rải rác ở một số nơi, với tổng diện tích hơn 6 ha, tập trung nhiều ở xã Phước Trung (Bác Ái), Mỹ Sơn (Ninh Sơn), Phước Thái (Ninh Phước).
Nông dân huyện Ninh Phước tích cực ra đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây bắp,
kịp thời phát hiện, chủ động phòng, trừ.
Tâm lý chung của bà con khi có thiên địch phá hoại mùa màng là rất lo, bởi trên thực tế nông dân ở 40 tỉnh trên cả nước đã bị thiệt hại lớn do sâu keo mùa thu phá hoại 15.000 ha bắp. Tình hình sâu bệnh trên cây bắp ở địa bàn tỉnh ta chưa đến mức trầm trọng, tuy vậy ngành chức năng, các địa phương không lơ là, chủ quan, đã tiến hành điều tra, phát hiện và triển khai các biện pháp phòng trừ, nên khống chế được mức độ lây lan. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTT, cho biết: Sâu keo mùa thu không phải là đối tượng mới, các vụ bắp trước cũng đã xuất hiện ở một số nơi, nông dân sử dụng các loại thuốc BVTV đặc dụng trừ diệt tận gốc.
Ở vụ hè - thu này, sâu keo mùa thu xuất hiện với mật độ thấp, những vùng bị nhiễm sâu phổ biến từ 2-3 con/m2, hoàn toàn khống chế được. Để giúp bà con sản xuất có hiệu quả, Chị cục TT&BVTV đã cử cán bộ về các xã hướng dẫn sử dụng bẫy diệt sâu trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun thuốc trừ sâu non. Với mật độ sâu thấp như hiện nay, bà con chỉ nên thực hiện biện pháp sinh học để bảo vệ cây trồng, chưa cần sử dụng thuốc hóa học. Trường hợp nghiêm trọng mới dùng các loại thuốc BVTV, như: Clever 150SC, Dunpont Prevathon 5SC, Ammate 150SC phu trừ sâu với liều lượng phù hợp, theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với những khu vực bắp chưa nhiễm bệnh, ngành chức năng chú trọng hướng dẫn nông dân cách nhận diện đặc điểm hình thái và triệu chứng gây hại trên đồng ruộng nhằm chủ động điều tra, phát hiện và triển khai phòng trừ.
Đồng chí Phạm Dũng, cho biết thêm: Kinh nghiệm rút ra từ thực tế sản xuất, để phòng trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả, cần thực hiện biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng dẫn của ngành chức năng. Các hộ tích cực kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn bắp 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Có thể sử dụng tro bếp hoặc nước xà bông loãng đổ vào nõn bắp diệt sâu non; đồng thời, đặt bẫy bả, bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành. Mặc dù sâu keo mùa thu sống khỏe, lây lan nhanh, sức tàn phá lớn, nhưng nếu kịp thời phát hiện, nhất là giai đoạn tuổi sâu còn nhỏ thì việc phòng, trừ không khó.
Anh Tùng