Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) và Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, do Vương quốc Bỉ tài trợ, triển khai năm 2016, nhằm mục đích cải thiện môi trường mặt nước, tạo thêm thu nhập từ sinh khối vi tảo, hướng tới phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung. Sau gần 3 năm thực hiện, đến nay dự án đạt được kết quả sơ bộ ban đầu. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập và định danh vi tảo, sử dụng phương pháp sinh học kiểm tra sàng lọc được 2 giống tảo thích hợp với dự án, có khả năng chịu mặn tốt, hàm lượng sinh khối cao, sau 4 ngày cấy tảo trong bể nước thải nuôi tôm có dung tích 25 m3 thu được 70 kg sinh khối vi tảo; hiệu quả xử lý các thành phần chất thải đạt 90%, hàm lượng gây ô nhiễm giảm hoàn toàn.
Hội thảo giới thiệu kết quả Dự án Ứng dụng vi tảo làm sạch nước nuôi tôm tạo sinh khối cho sản xuất dầu sinh học
Các đại biểu đã thảo luận, đánh giá dự án là công trình nghiên cứu khoa học sát với tình hình thực tiễn ở Ninh Thuận, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường; đồng thời đề nghị các đơn vị thực hiện dự án tiếp tục nghiên cứu, biên soạn sổ tay hướng dẫn nông dân quy trình nuôi tảo; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thu sinh khối; xây dựng phòng thí nghiệm lưu trữ các giống tảo đã được lựa chọn.
Anh Tùng