Trong những năm qua, lĩnh vực NTTS cơ bản phát triển theo đúng định hướng đề ra, đặc biệt mô hình nuôi các loài hải đặc sản đều duy trì ổn định, một số đối tượng nuôi đạt sản lượng cao đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân địa phương.
Theo báo cáo về hiện trạng nuôi đối tượng thủy sản thương phẩm trên địa bàn tỉnh của Chi cục Thủy sản tỉnh, có thể thấy sự phát triển đa dạng đối tượng và hình thức nuôi. Trước hết về nuôi thủy sản trong lồng bè trên biển, có các đối tượng như: tôm hùm, cá bóp, cá chim vây vàng, cá mú Trân Châu… Năm 2015 toàn tỉnh chỉ có 310 lồng nuôi tôm hùm, đến năm 2018 có trên 1.700 lồng nuôi, dự kiến số lượng lồng bè sẽ tiếp tục tăng. Đối với một số loài cá biển nói trên, dù mới bắt đầu nuôi tại địa phương từ năm 2014 nhưng đã thích nghi và sinh trưởng tốt, năng suất thu hoạch cao nên số lượng lồng nuôi cá biển (đa số là cá bóp, cá chim) tăng mạnh từ 220 lồng lên trên 700 lồng hiện nay. Về nuôi tôm thương phẩm, tôm sú được nuôi chủ yếu tại khu vực Đầm Nại (Ninh Hải), do dễ xảy ra rủi ro nên diện tích nuôi tôm sú trong các năm gần đây chỉ dao động 40-65 ha/năm, chiếm 10-20% diện tích Đầm Nại. Tôm thẻ chân trắng được nuôi chủ yếu ở những vùng đất cát ven biển như xã An Hải (Ninh Phước), xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ngoài ra còn một số diện tích nuôi thuộc các xã quanh Đầm Nại và xã Cà Ná (Thuận Nam).
Nuôi hàu Thái Bình Dương bằng giàn bè ở vùng Đầm Nại (Ninh Hải). Ảnh: B.T
Trong lĩnh vực nuôi thủy sản thương phẩm, còn có ốc hương thương phẩm được nuôi tại khu vực ven biển với diện tích thả nuôi trong năm 2018 khoảng 66 ha (6 tháng đầu năm nay là 43 ha) theo 2 hình thức: Nuôi trong ao đất tại Tân An, Khánh Hội (xã Tri Hải) và thị trấn Khánh Hải thuộc huyện Ninh Hải và nuôi trong ao cát trải bạt ở thôn Từ Thiện, Bắc Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam). Hàu thương phẩm được nuôi tập trung tại các thôn Hòn Thiên, Gò Đền (xã Tân Hải) và Phương Hải (Ninh Hải) với 2 hình thức nuôi chủ yếu: nuôi cắm cọc (hiện có khoảng 30 ha) và nuôi lồng bè (hiện có khoảng 68 giàn bè). Trong 2 năm lại đây có thêm hình thức nuôi hàu Thái Bình Dương bằng giàn bè. Bên cạnh các đối tượng nuôi chính, một số loài thủy sản khác cũng được nuôi rải rác ở một số địa phương quanh Đầm Nại như cua, ghẹ, cá mú, cá hồng,… với diện tích khoảng 20 ha theo hình thức nuôi chủ yếu là đánh tỉa, thả bù. Theo đồng chí Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, điểm thuận lợi là đến nay phần lớn các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hàu Thái Bình Dương, ốc hương và một số loài cá biển được nuôi thương phẩm phổ biến đều đã có thể chủ động hoàn toàn quy trình sản xuất giống nhân tạo ở tỉnh ta.
Có dịp về các vùng NTTS tìm hiểu, chúng tôi được biết trong từng đối tượng thủy sản nuôi đều có một số chủ ao, đìa hoặc cơ sở, doanh nghiệp điển hình về sự thành công. Chẳng hạn vùng Đầm Nại, trong nghề nuôi cá mú có anh Trần Quang Vinh ở thôn Gò Đền, hàu Thái Bình Dương có anh Nguyễn Thanh Sơn (thôn Phương Cựu, xã Phương Hải); vùng biển Thuận Nam, trong nghề nuôi ốc hương có Công ty TNHH MTV Châu Cầu ở Sơn Hải (xã Phước Dinh) và nuôi cá bóp có anh Mai Thành Lễ ở xã Cà Ná. Do hiệu quả của các mô hình, phương thức nuôi thủy sản mới, căn cứ quy hoạch NTTS tỉnh đến năm 2020, Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề ra nhiệm vụ phát triển thủy sản theo hướng đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tập trung phát triển 2 đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng; đối với các đối tượng nuôi lồng bè, tập trung phát triển nuôi tôm hùm, cá mú, cá bóp, ốc hương,…
Người dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) phát triển kinh tế với mô hình nuôi cá bóp. Ảnh: T.Quang
Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, theo định hướng trên, cùng với mở rộng nuôi trồng trên biển, tỉnh ta sẽ từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi, cấu trúc lại hệ thống ao, đìa thành các khu vực chuyên ứng dụng công nghệ cao và các khu vực nuôi sinh thái bền vững. Cụ thể là tập trung phát triển đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) theo hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh; chuyển đổi các vùng nuôi quảng canh truyền thống sang áp dụng các mô hình nuôi sinh thái, nuôi ghép đa đối tượng như: Tôm sú - cá rô phi, tôm sú - cua, ghẹ; kết hợp trồng rừng ngập mặn nhằm tạo sinh cảnh và cải thiện môi trường vùng nuôi. Đối với NTTS lồng bè trên biển, tập trung các đối tượng đã khẳng định hiệu quả kinh tế, có thị trường tiêu thụ dễ dàng như: Tôm hùm, cá mú, cá bóp, ốc hương,… nhằm giảm sức tải môi trường, phát triển đa dạng đối tượng nuôi và hình thức nuôi.
Bạch Thương