Toàn huyện có 3.192 hộ chăn nuôi lợn với tổng số 10.170 con, trong đó, có 146 hộ nuôi từ 10-100 con. Nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về dịch bệnh đến người dân; đã phát sóng 2 lượt/ngày trên hệ thống loa đài 32 thôn của 6 xã với 896 lượt. Trong nội dung tuyên truyền, huyện nêu rõ tình hình thực tế, các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm, cách phòng bệnh, chính sách hỗ trợ, thiệt hại về kinh tế... để người dân nắm rõ. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch trong chăn nuôi, các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ tiêu thụ lợn và các sản phẩm về lợn; khi phát hiện lợn bệnh, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời.
Người dân xã Bắc Phong phun xịt hóa chất chuồng trại, chăn nuôi.
Từ đầu năm, huyện đã tổ chức 2 đợt phun xịt với tổng số hóa chất sử dụng 1.453 lít, cấp cho 1.129 hộ chăn nuôi tự phun xịt; cấp 1.800 kg vôi bội cho 120 hộ chăn nuôi để vệ sinh chuồng trại. Các điểm được phun xịt thuốc, tiêu độc, khử trùng gồm: các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ, trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ... với tổng diện tích phun xịt 482.000 m2. Khi biết được tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, các hộ chăn nuôi đều lo lắng và luôn làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Bà Dương Thị Xuân, thôn Gò Sạn (xã Bắc Phong) chia sẻ: Nhà tôi nuôi 9 con lợn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào chăn nuôi nên nghe thông tin về dịch bệnh, gia đình tôi cũng lo lắng. Để phòng bệnh, gia đình tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, làm theo hướng dẫn cán bộ thú y xã, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về phòng, chống dịch bệnh, mua thuốc phun xịt. Nhờ vậy, đàn lợn nhà tôi luôn khỏe mạnh.
Song song với các biện pháp trên, huyện đã xây dựng kế hoạch xử lý nếu xảy ra dịch bệnh. Xác định vị trí, xây dựng 9 điểm tiêu hủy khi dịch bệnh xảy ra, thành lập tổ ứng phó dịch tại 6 xã với 90 thành viên; xây dựng 16 chốt kiểm dịch tại 6 địa phương, đặc biệt đối với các thôn giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa như Ma Trai (xã Phước Chiến), Suối Giếng (xã Công Hải), huyện tăng cường công tác kiểm dịch tại các chốt chặn.
Là địa phương giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, công tác phòng, chống DTLCP được xã Công Hải quan tâm, chú trọng. Trên địa bàn có 2 trạm kiểm dịch động vật được cơ quan chức năng kiểm tra nghiêm ngặt. Theo anh Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã, nguồn thịt lợn cung cấp tại các chợ trên địa bàn chủ yếu là từ Cam Ranh (Khánh Hòa) và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, trong đó có một số sản phẩm không có kiểm dịch nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, quản lý của xã. Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, chú trọng công tác vận động, tuyên truyền thông tin về DTLCP nhằm để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, cân nhắc khi mua và sử dụng sản phẩm từ lợn.
Ông Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Địa phương xem công tác phòng, chống DTLCP là nhiệm vụ cấp bách, đặt lên hàng đầu, không được lơ là, chủ quan. Trước mắt, huyện chỉ đạo 6 xã tổ chức ra quân phun xịt hóa chất; thành lập và đưa người có nghiệp vụ chuyên môn về thú y vào tổ xung kích mỗi xã. Đối với 3 cơ sở tắm lợn trên địa bàn xã Công Hải, phải có giấy kiểm dịch của các trạm mới được xả nước tắm lợn. Chính quyền 6 xã cần nắm thông tin tình hình lợn chết, công bố nguyên nhân để không gây hoang mang cho người dân. Tăng cường công tác kiểm dịch các sản phẩm từ lợn khi đưa vào chợ kinh doanh. Đặc biệt, chú trọng việc tuyên truyền thông tin DTLCP đến người dân, vận động bà con vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun xịt hóa chất, tiêu độc, khử trung chuồng trại.
Minh Khai