Mô hình được triển khai trên diện tích 1.000 m2, dưa lưới được bao bọc kín kẽ bằng túi ni-lông, ở khu vực cửa ra vào nhà kính được thiết kế thêm hố vôi bột khử khuẩn nhằm ngăn chặn các loại côn trùng không thể xâm nhập vào bên trong, do đó quá trình canh tác không cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây dưa. Phân bón dùng cho cây dưa chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh được hòa sẵn vào các bồn chứa và hệ thống điều khiển tự động sẽ tự tưới cho toàn bộ vườn phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây dưa.
Sản phẩm dưa lưới sản xuất theo mô hình công nghệ cao.
Ngoài ra, theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết, cây dưa lưới phát triển tốt trong môi trường nhiệt độ từ 40-45OC, do đó, trong nhà kính còn được trang bị một thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm hiện đại, nếu nhiệt độ vượt mức quy định thì hệ thống máy điều hòa, hệ thống làm lạnh Coldlin Pad và các quạt đảo biến khí sẽ được kích hoạt để đưa nhiệt độ trong nhà kính về mức quy định. Do được canh tác trong môi trường sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng tốt các điều kiện sinh trưởng nên sản lượng dưa lưới có thể đạt đến 4,5 tấn/sào, chất lượng quả đạt chuẩn, mẫu mã đẹp.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Quản lý Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh cho biết, hiện nay, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao mà Trung tâm đang triển khai có mức đầu từ khoảng 500 triệu đồng cho 1.000 m2, tuy chi phí hơi cao nhưng bù lại sản lượng dưa lưới đạt rất tốt. Với dưa loại 1, do đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của sản phẩm nông nghiệp sạch có thể xuất khẩu nên giá bán lên đến 35.000 đồng/kg. Hiện nay sản phẩm dưa lưới loại 1 của Trung tâm đang được Công ty Biovit thu mua đưa vào các hệ thống siêu thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm này đều đã được kiểm định chất lượng về màu sắc, độ đường, độ dày của quả và quan trọng là lượng tồn dư của tạp chất trong độ chuẩn cho phép.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp. Để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với sự biến đổi của thời tiết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu cơ cấu lại Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Và Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030.
Do đó, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như mô hình dưa lưới của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh rất cần nhân rộng và chuyển giao mạnh mẽ đến các nông hộ. Đây được xem là hướng đi phù hợp cho nông dân tỉnh nhà trong quá trình từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nâng cao năng suất, tăng tỷ suất lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, không chỉ giúp nông dân vươn lên làm giàu mà còn hướng đến việc xây dựng nền nông nghiệp sạch vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Nguyễn Anh