Theo đó, các huyện, thành phố trong tỉnh ta đã triển khai thí điểm mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo phòng, ban; hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng HĐND và UBND, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước (dân tộc, y tế) về văn phòng trên; đáng chú ý là thực hiện chủ trương thí điểm Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã.
Theo lộ trình đề ra, tỉnh ta bắt đầu thực hiện thí điểm chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cùng cấp tại 4 xã, phường trong năm 2018 và tổng kết việc thí điểm vào năm 2021. Được chọn thí điểm gồm có các xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), Phước Diêm (Thuận Nam), Phước Thuận (Ninh Phước) và phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Mục đích của việc thực hiện chủ trương này là nhằm tinh gọn bộ máy, giảm được một chức danh người đứng đầu ở hệ thống chính trị cơ sở. Thực ra đây không phải lần đầu tiên mô hình này được triển khai. Đơn cử trong 4 xã nói trên, có xã Phước Thuận, từ tháng 6-2009 đã được Tỉnh ủy chọn và chỉ đạo thí điểm mô hình “nhất thể hóa” chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Sau ngần ấy thời gian, dù được nhận xét có sự chuyển biến trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, tạo được tác động tích cực cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, song mô hình vẫn chưa tổng kết. Do đó khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 92-KH/TU, Phước Thuận tiếp tục là xã thí điểm.
Để hiểu rõ tiến trình thực hiện mô hình tại 4 xã, phường, vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn, Bí thư Đảng ủy phường Phước Mỹ về kết quả bước đầu việc thí điểm Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND phường. Đảng bộ cơ sở phường Phước Mỹ có 16 chi bộ trực thuộc với tổng số khoảng 650 đảng viên (ĐV), trong đó có 10 chi bộ khu phố với 556 ĐV (chiếm 87% ĐV là cán bộ hưu trí). Phước Mỹ được UBND thành phố công nhận là phường văn minh đô thị năm 2018; được Thành ủy đề nghị Tỉnh ủy tặng Cờ Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2014-2018). Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn, qua gần một năm thực hiện thí điểm Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã tại phường Phước Mỹ, việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương được nhất quán và có hiệu quả hơn. Việc điều hành công việc khối chính quyền thuận lợi; giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời, chủ động, linh hoạt hơn.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình trên, đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Thuận chia sẻ: “Kế thừa từ người tiền nhiệm, hoạt động của hệ thống chính trị theo mô hình “nhất thể hóa” vẫn phát huy. Mặt thuận lợi mà cán bộ, ĐV đều nhận thấy là trước hết bộ máy lãnh đạo, điều hành giảm bớt cồng kềnh, việc việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền đồng bộ, thống nhất và kịp thời hơn”. Điểm chung mô hình “nhất thể hóa” của 2 xã, phường Phước Thuận và Phước Mỹ là để tránh tình trạng lẫn lộn về trách nhiệm Bí thư, Chủ tịch, đã xây dựng quy chế hoạt động của Đảng ủy và UBND, xác lập rõ mối quan hệ làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ với chính quyền và các đoàn thể, phân công giao nhiệm vụ thêm cho các cấp phó trong Đảng ủy, chính quyền và tăng cường trách nhiệm của các cán bộ trong hệ thống chính trị của xã. Qua quy chế này, công việc lãnh đạo, điều hành với vai trò cá nhân khi là Bí thư, lúc trong vai Chủ tịch đã nhịp nhàng, tách bạch hẳn, đặc biệt đã giúp khâu kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với chính quyền sâu sát, chặt chẽ hơn.
Nhìn chung, theo ghi nhận của chúng tôi, qua thực hiện thí điểm “nhất thể hóa” ở Phước Thuận và Phước Mỹ cho thấy tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của cá nhân đứng đầu đang tạo ra nét mới trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở. Tuy nhiên, cũng từ 2 cơ sở này, thực tế cho thấy để người đảm nhiệm cương vị Bí thư đồng thời Chủ tịch phát huy năng lực, sắp xếp khoa học, hợp lý hài hòa và dồn sức cho công việc, rất cần có chính sách hỗ trợ tương xứng với sự cống hiến của họ.
Tuy còn một số vướng mắc cần giải quyết, nhưng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn, nhìn lại 1 năm thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã từ phường Phước Mỹ, có thể nói đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Từ kinh nghiệm bước đầu, Phước Mỹ và các xã, phường tiếp tục vận dụng để thực hiện có hiệu quả mô hình nhất thể hóa Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND trong thời gian tới.
Bạch Thương