Đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống nho mới

(NTO) Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố có nhiều nỗ lực nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Đáng kể là kết quả nghiên cứu về kỹ thuật canh tác, lai tạo giống nho mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực.

Năm 1994, Viện tiến hành xây dựng Vườn tập đoàn giống nho, tạo đột phá làm cơ sở cho quá trình nghiên cứu, chọn tạo giống mới. Công tác thu thập, bảo tồn nguồn gen cây nho tiếp tục được duy trì, phát triển lên tầm cao hơn, các mẫu giống nho liên tục được nhập nội, đánh giá và so sánh. Tính đến thời điểm hiện nay, trong Vườn tập đoàn quỹ gen nho có 146 mẫu giống. Qua đánh giá, có 72 giống nho ăn tươi, 52 giống nho rượu, 14 giống nho không hạt, 7 giống nho chuyên làm gốc ghép, 1 giống nho lấy lá được nhập từ Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Úc, Pháp, Thái Lan, Israel, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Italia. Đáng chú ý, trong số mẫu giống nho đang lưu giữ, có nhiều giống tiềm năng đã đươc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, cho phép đưa vào sản xuất đại trà. Ngoài ra, Viện đã lai tạo thành công 10 tổ hợp nho lai F1, có khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là giống nho lai L03 và L09.

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố lai tạo thành công giống
nho xanh NH01- 48 chuyển giao cho nông dân sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: A.T

Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cho biết: Qua thực tế sản xuất, giống nho sử dụng trồng là những cây ghép tỷ lệ thành công cao, cây con có sức sống khỏe, giữ được đặc tính tốt của cây mẹ vừa kết hợp những ưu điểm của gốc ghép. Viện đã chuyển giao những giống gốc ghép tốt như Couderc và Ramsey có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường. 7 đầu dòng giống nho phục tráng cũng có nhiều đặc tính nổi trội như ổn định về năng suất, khối lượng quả lớn hơn so với giống nho đỏ trước đây. Kể từ năm 2000 đến nay, trên 98% diện tích trồng nho mới của nông dân đều ứng dụng phương pháp sử dụng gốc ghép để nâng cao sức chống chịu với các đối tượng vi sinh vật gây hại, diễn biến bất lợi của thời tiết. Với việc lựa chọn, xây dựng quy trình sản xuất an toàn đối với giống nho xanh NH01- 48 của Viện đã làm tiền đề cho thương hiệu nho Ba Mọi, nho Xuân Hải thâm nhập vào các nhà hàng, siêu thị ở những thành phố lớn trong cả nước. Thành công nối tiếp thành công, hiện tại Viện đã hoàn tất việc đánh giá và công nhận sản xuất thử đối với giống nho NH01-152 (nho 3 màu) để tiến tới việc hoàn thiện chính thức đưa vào sản xuất.

Bên cạnh công tác lai tạo giống, Viện cũng có nhiều cố gắng trong nghiên cứu kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật được áp dụng vào sản xuất nho có hiệu quả, theo hướng an toàn và bền vững. Ngoài việc nghiên cứu, chuyển giao mô hình tưới tiết kiệm nước áp dụng cho cây nho, gần đây Viện triển khai mô hình ứng dụng bao trùm quả nho cách ly an toàn với thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Hiện nay, Viện đang xây dựng bản đồ đánh giá các loại đất thích nghi của cây nho trên địa bàn những vùng trồng trọng điểm, sử dụng phân hữu cơ vi sinh kết hợp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Với quyết tâm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nho, Viện nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu Barandy với 3 dòng sản phẩm chất lượng cao được thị trường chấp nhận; đồng thời, đang tiếp tục phối hợp với Viện Công nghệ Thực phẩm (Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Lâm Đồng) hoàn thiện quy trình chế biến vang nho.

Du khách thưởng thức Vang Nho tại cơ sở Nho Ba Mọi. Ảnh: Văn Nỷ

Tại buổi Tạo đàm Nho và Vang Ninh Thuận tổ chức vào ngày 26 - 4 vừa qua, các nhà khoa học nhìn nhận nghề trồng nho ở tỉnh ta gần đây có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên sản phẩm nho vẫn chưa sánh kịp với nho nhập ngoại về chất lượng và giá thành, mà nguyên nhân chính được xác định là do hạn chế ở khâu tuyển chọn giống. Hiện nay, tuy có nhiều giống nho được nghiên cứu, nhưng mới có 2 giống nho ăn trái đưa vào sản xuất đại trà là nho xanh NH01- 48 và nho đỏ Red Cardinal; trong đó, giống nho đỏ đang trồng phổ biến (diện tích xấp xỉ 80% tổng diện tích nho hiện nay), nhưng giá trị kinh tế lại thấp. Theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, để đáp ứng đòi hỏi của sản xuất ngày càng cao, Viện đã xây dựng định hướng chiến lược nghiên cứu trong thời gian tới là tiếp tục thu thập các mẫu giống nho, đánh giá và giới thiệu giống tốt phục vụ khảo nghiệm cũng như lai tạo giống mới. Xây dựng các bộ giống khảo nghiệm theo hướng chú trọng đưa các giống nho ăn tươi chất lượng cao, kháng được sâu bệnh vào sản xuất kết hợp với quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Mở rộng các giống nho rượu có chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao độ đường tối thiểu 18 Brix. Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống nho không có hạt NH04 - 61 và NH04 - 128. Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nho NH01-152 kết hợp với ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học và kỹ thuật như sử dụng gốc ghép, tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, bao chùm quả nho, tạo dáng chùm quả để cải thiện mẫu mã và chất lượng.