Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 2 tháng trở lại đây, số bệnh nhân phải đến điều trị nội trú tại các khoa: Nhi, Nhiễm, Nội do mắc một số bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè tăng khoảng 10%. Cụ thể, nhiễm siêu vi có 289 ca, tay chân miệng (TCM) 20 ca, tiêu chảy 516 ca, viêm phế quản 131 ca, viêm phổi 371 ca, sốt xuất huyết (SXH) 258 ca… chủ yếu là trẻ nhỏ. Bác sĩ Lê Huy Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong điều kiện nắng nóng oi bức, kháng thể, nhất là của trẻ nhỏ yếu nên các loại vi rút rất dễ xâm nhập gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, nhiễm siêu vi. Riêng tại khoa Nhi, do bệnh viện đã chủ động mở rộng, bổ sung giường bệnh nên thời gian qua đã tránh tình trạng bệnh nhi phải nằm ghép, ngay cả trong thời gian cao điểm.
Nhiều bệnh nhi phải đến điều trị nội trú do mắc một số bệnh
truyền nhiễm trong những ngày nắng nóng vừa qua. Ảnh: U.Thu
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh, đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 656 ca SXH, 81 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 29 trường hợp dương tính, 44 ca TCM… Bác sỹ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, nắng nóng và những cơn mưa trái mùa đan xen là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh bùng phát… Trước tình hình trên, Sở Y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch tể; đẩy mạnh thông tin, truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện nhân lực, vật lực để thu dung, điều trị các ca bệnh không để lây lan thành dịch.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, trong số các loại dịch bệnh trên, hiện ngành Y tế đặc biệt chú trọng đến dịch bệnh SXH, bởi chuẩn bị bước vào mùa mưa. Mặc dù ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh nhưng qua các cuộc thanh, kiểm tra cho thấy, nhiều người dân vẫn còn hết sức chủ quan và cần phải có ý thức, tích cực hơn nữa trong công tác phòng ngừa: tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy hạn chế muỗi phát triển bằng cách vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, phát quang bụi rậm xung quanh nhà thoáng mát, sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi, khi ngủ nằm màn…
Để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp, phải thực hiện tốt nguyên tắc “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”. Các bậc phụ huynh lưu ý phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bản thân và con em mình, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, đi vệ sinh, không để trẻ uống nước đá lạnh vì dễ gây viêm họng. Lau chùi nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, hạn chế đến những nơi đông người… Cần tăng sức đề kháng cho bản thân và con em mình bằng cách ăn uống bảo đảm vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất. Phối hợp với nhà trường theo dõi chặt chẽ tình trạnh sức khỏe của con em mình, kịp thời phát hiện, cách ly, điều trị bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, vào mùa hè, bức xạ nhiệt tăng cao, nóng bức rất dễ bị say nắng. Mọi người khi ra đường, làm việc ngoài trời trong thời gian dài cần có bảo hộ che chắn, nghỉ ngơi phù hợp. Nắng nóng cũng sẽ làm tăng nguy cơ đối với các trường hợp bị bệnh tim mạch, vì vậy các đối tượng này, nhất là người già cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, rèn luyện cơ thể đều đặn để ổn định huyết áp.
Uyên Thu