Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong khẩu phần hàng ngày của người lao động nặng nên được cung cấp dưới 2.000mg natri (tương đương với gần 5g muối/ngày). Trong khẩu phần của người Việt Nam thì khoảng 10% lượng natri đã có sẵn trong thực phẩm tự nhiên, 20% lượng natri đến từ các thực phẩm chế biến sẵn và 70% lượng natri là do người nội trợ cho vào trong quá trình chế biến và ăn thức ăn.
Thịt kho là món ăn chứa nhiều muối (natri).
Natri thường có trong thức ăn nguồn động vật nhiều hơn thức ăn nguồn thực vật. Natri được tìm thấy có sẵn trong nhiều loại thực phẩm như sữa, thịt và hải sản. Natri thường có nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn như bánh mỳ, bánh quy, thịt chế biến sẵn và đồ ăn vặt. Natri cũng có nhiều trong nhiều loại gia vị như nước mắm, xì dầu, bột canh, hạt nêm... Do đó, khi người lao động lựa chọn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và ít rau quả làm cho bữa ăn thường có nhiều natri.
Tuy nhiên, tăng khẩu phần natri có liên quan tới tăng huyết áp, trong khi giảm khẩu phần natri làm giảm huyết áp ở người trưởng thành. Khẩu phần natri tăng cũng liên quan trực tiếp tới các bệnh tim mạch, nhất là đột quỵ và bệnh mạch vành tim. Điều chỉnh khẩu phần natri phù hợp không chỉ giúp người lao động có sức khỏe tốt hơn, làm giảm tỷ lệ mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày mà còn làm tăng thu nhập và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe của người lao động.
B.H (Theo Báo SK&ĐS)