Chuyến trải nghiệm đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách du lịch bởi sự hoang sơ của thiên nhiên cùng sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương.
VQG Phước Bình nằm trên địa bàn xã Phước Bình (Bác Ái), có địa hình trải dài ở độ cao từ 400 đến 2.000 m so với mặt nước biển nên hệ sinh thái ở đây rất đa dạng với các mảng thực vật cực kỳ tuyệt đẹp. Đặc biệt, nơi đây còn giữ được những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Raglai và Chu Ru nên những năm qua, VQG đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách có đam mê khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại VQG Phước Bình.
Bắt đầu chuyến hành trình từ 6 giờ sáng, vượt qua gần 70 km từ trung tâm Tp.Phan Rang-Tháp Chàm trên tuyến Tỉnh lộ 707, VQG Phước Bình hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Một bên là dòng sông Cái hiền hòa uốn lượn bên cánh rừng đại ngàn xanh mướt, bên còn lại là triền đồi được bà con trồng bưởi da xanh, chuối, cà phê, sầu riêng. Mặc dù mùa này ở Bác Ái là mùa khô hạn, nhưng khí hậu ở VQG rất mát mẻ, làm chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào xứ sở cao nguyên. Đoàn chúng tôi tiếp tục được cán bộ VQG hướng dẫn tham quan các điểm đến làm nên “thương hiệu” du lịch địa phương như hệ thống suối, thác Đá Nhông-Đá Bàn, bẫy đá Pi Năng Tắc...
Các nghệ nhân gõ Mã La.
Tại đây du khách được tự do ngấm nhìn hệ thực vật nguyên sinh, lắng nghe tiếng thác nước ầm ầm chảy, đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi, ăn uống bên gia đình và bạn bè. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được giới thiệu đến thăm thôn văn hóa kiểu mẫu Bậc Rây 2 để tìm hiểu rõ hơn nét văn hóa cồng chiêng, đàn Chapi cũng như thưởng thức các món ăn đặc sản của người đồng bào địa phương với cơm lam, lợn đen nướng ống tre, rượu chuối hột nổi tiếng. Chị Tạ Thị Thanh Tình, doanh nhân tại Tp. Đà Lạt chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến với VQG Phước Bình, các điểm tham quan làm tôi rất thích thú bởi sự hoang sơ, trong lành, giúp cho tôi có được cảm giác bình yên và thư giãn. Đặc biệt, chuyến tham quan này đem đến cảm giác “một không hai” khi bản thân tôi tự băng qua những con suối, cánh rừng để ngắm nhìn và tìm hiểu rõ hơn về hệ sinh thái rừng. Còn đối với chị Nguyễn Thị Uyên, du khách đến từ Bình Dương lại có những trải nghiệm đáng nhớ khi được người dân địa phương hướng dẫn cách đánh Mã la, chơi đàn Chapi, chị chia sẻ: Rất đáng quý là bà con địa phương vẫn còn lưu giữ và bảo tồn tốt những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình để giới thiệu cho du khách. Đây chính là điểm nhấn khiến tôi muốn quay trở lại đây nhiều lần hơn nữa cùng bạn bè và gia đình.
Các điệu múa của thiếu nữ người Raglai và Chu Ru.
Với hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, những năm gần đây, ngoài việc bảo vệ, duy trì hệ sinh thái rừng nguyên sinh, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương và ban quản lý VQG tiếp tục đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ để tiếp đón thêm nhiều đoàn nghiên cứu khoa học, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Một ngày trải nghiệm ở VQG Phước Bình, được nghe bản hòa tấu êm đềm của núi rừng hòa cùng những âm sắc trong trẻo của tiếng đàn Chapi, Mã La, dường như mọi bộn bề cuộc sống đã vơi bớt ít nhiều. Chúng tôi lên đường trở về thành phố khi những cơn mưa rừng đang kéo về, hành trang đã nặng thêm với những kỷ niệm đẹp về vùng đất và con người nơi đây.
Lê Thi