Định hình “thương hiệu” Vang Ninh Thuận
Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 5 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất rượu vang nho. Trong đó có 3 doanh nghiệp hoạt động sản xuất với sản lượng khoảng 35 ngàn lít/năm. Cụ thể Doanh nghiệp tư nhân SX-TM & DV Ba Mọi sản lượng đạt khoảng 20 ngàn lít/năm, Công ty TNHH Rượu vang Phan Rang khoảng 10 ngàn lít/năm và Công ty TNHH SX TM&DV Hưng Phát Tài sản xuất sản phẩm Rượu vang nho Hưng Phát, Vang Việt sản lượng khoảng 5 ngàn lít/năm đang bước đầu giới thiệu thâm nhập thị trường.
Du khách chọn mua sản phẩm vang nho tại Trang trại Nho Ba MọiẢnh: V.Miên
Bên cạnh đó, có một số nhà đầu tư như Công ty TNHH Đồ uống Phan Rang đã hoàn thành đầu tư cơ sở sản xuất với công suất 900 ngàn lít/năm, nhưng do chưa có nguyên liệu nho để sản xuất rượu phù hợp và chưa có đối tác cung cấp nguyên liệu bán thành phẩm để đóng chai tiêu thụ nên chưa đi vào hoạt động. Công ty Smart Asgard Việt Nam đang trong giai đoạn lựa chọn giống nho phù hợp để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến vang nho. Với nhu cầu về nguyên liệu phục vụ chế biến vang nho, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cũng đã tập trung nghiên cứu phát triển các giống nho rượu, đồng thời kết hợp sản xuất các sản phẩm vang nho từ nguồn nguyên liệu hiện có để giới thiệu, chào bán ra thị trường.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 57 cơ sở rượu vang nho đăng ký đề nghị được cấp các loại Giấy chứng nhận, công bố hợp quy và Giấy phép sản xuất. Đến nay, hiện có 23 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có 25 cơ sở công bố hợp quy hoặc tự công bố chất lượng và có 14 cơ sở được cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công theo quy định. Theo đánh giá của ngành Công Thương, hoạt động sản xuất rượu vang nho trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung quy mô nhỏ, không tập trung. Về công nghệ sản xuất, chủ yếu làm thủ công, ủ lên men truyền thống do lao động của các hộ gia đình thực hiện. Tùy theo các tiêu chí, mỗi cơ sở đã công bố chất lượng và đóng chai, dán nhãn, bảo quản và tự tìm nguồn tiêu thụ, nên chất lượng chưa đồng đều và hiệu quả kinh tế còn hạn chế.
Tìm đầu ra cho sản phẩm nho
Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại địa phương, Sở Công Thương đã tổ chức hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ sản xuất và kinh doanh sản phẩm nho trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối thị trường. Đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện trên 40 chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh trong đó có nho và sản phẩm chế biến từ nho. Hiện sản phẩm nho của tỉnh đã có mặt trong hệ thống Co.opmart, VinMart, Lotte,… các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và một số cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn. Ngoài ra sản phẩm nho Ninh Thuận là nguồn nguyên liệu cung cấp cho Công ty Cổ phần thực phẩm Lâm Đồng sản xuất rượu vang Đà Lạt với sản lượng tiêu thụ từ 150-200 tấn/năm. Thông qua các đợt kết nối đã giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với các doanh nghiệp, chợ đầu mối, siêu thị tại các tỉnh có định hướng tiêu thụ sản phẩm, thực hiện ký các biên bản ghi nhớ và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã giúp tiêu thụ hàng năm thông qua các doanh nghiệp này khoảng 1.500-2.000 tấn nho tươi, trên 100 ngàn chai rượu nho, mật nho, si rô nho và trên 25 tấn nho sấy, mứt nho khô…
Để cây nho phát triển bền vững
Với sự hỗ trợ của địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, sản phẩm nho đang dần kết nối được với thị trường, được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc sản xuất - tiêu thụ nho và sản phẩm từ nho hiện nay gặp không ít khó khăn, thách thức như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung; sản lượng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chưa bền vững; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu theo tiêu chuẩn VietGAP còn hạn chế. Chính vì vậy, bài toán phát triển nâng tầm thương hiệu và giá trị nho Ninh Thuận đòi hỏi phải có định hướng lâu dài. Do đó, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với thực tế đất đai và khu vực trồng, mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nho tươi và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cùng với đó phải huy động nguồn lực, tăng vốn đầu tư, nâng cấp và cải tạo các trang thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất và nâng công suất, quy mô thông qua các chương trình ưu đãi tín dụng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và hộ kinh doanh về thực hiện an toàn thực phẩm trong chế biến và đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiến tới áp dụng các hình thức quản lý chất lượng thực phẩm tiên tiến, có uy tín, thương hiệu đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Cùng với việc chú trọng hỗ trợ các đơn vị sản xuất, phân phối trong tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung - cầu, các sở, ngành và các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, hướng tới xuất khẩu sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Mai Phương