Thôn Thành Sơn, nơi được xem là vùng trồng nho trọng điểm của xã Xuân Hải. Đến đây, đi dạo một vòng quanh thôn, chúng tôi gặp những nông hộ đang cần mẫn chăm tỉa từng chùm nho chín mọng, nặng trĩu quả trên giàn. Được biết, cây nho xanh NH 01-48 “bén duyên” ở vùng đất này từ năm 2000. Tuy nhiên, ban đầu chỉ có một vài hộ trồng, sau này thấy lợi nhuận từ cây nho mang lại cao, nên nhiều người đã mở rộng diện tích và dần dần trở thành vùng “nông trường nho”, theo cách gọi của bà con địa phương. Ông Hoàng Văn Giang, người có thâm niên gắn bó lâu năm với cây nho ở thôn Thành Sơn, chia sẻ: Cây nho xanh đã khẳng định được ưu thế, ở những vùng đất gò đồi, khu vực trồng lúa kém hiệu quả đều được bà con chuyển sang trồng nho, cũng nhờ cây nho mà nhiều gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng. Sở dĩ cây nho được trồng nhiều là vì vùng đất Thành Sơn được thiên nhiên ưu ái với chất đất cát pha lẫn với đất đỏ bazan nên thích hợp cho cây nho sinh trưởng và phát triển, cho trái to, khi ăn có vị ngọt thanh, được thị trường ưa chuộng. Gia đình hiện đang sở hữu 2 sào nho xanh, qua các vụ thu hoạch đều cho năng suất ổn định trên 6 tấn, với giá bán từ 30.000-40.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, thu lãi trên 150 triệu đồng/vụ.
Nho xanh trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho nông dân thôn Thành Sơn.
Hướng tới nâng tầm thương hiệu nho trên địa bàn, vài năm trở lại đây, UBND xã Xuân Hải vận động, hướng dẫn nông dân liên kết thành lập tổ trồng nho theo quy trình VietGAP đạt được kết quả nhất định. Hiện ở địa phương có 7 tổ sản xuất theo mô hình nho sạch, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Thành Sơn, với 5 tổ. Theo đó, các hộ trong tổ trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong khâu chọn giống, thực hiện việc ghi chép cụ thể cho từng thời điểm bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi bán ra thị trường. Việc thực hiện quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao giá trị đơn vị diện tích, mà còn tạo ra sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cũng tăng lên đáng kể. Anh Lương Công Minh, ở thôn An Xuân 2, cho biết: Trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP là cơ hội để nông hộ thay đổi phương pháp sản xuất cũ, nắm bắt kỹ thuật mới để nâng tầm giá trị của cây nho. Hiện tại 1,5 sào nho của gia đình đang canh tác theo quy trình VietGAP cho năng suất bình quân 3 tấn/sào/vụ, cao hơn khoảng 1,2 lần so với cách làm truyền thống; sản phẩm sau khi thu hoạch có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng lựa chọn, giá bán cũng cao.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải: Nghề trồng nho ở địa phương ngày càng phát triển, với diện tích hiện có trên 130 ha nho. Thời gian tới, ngoài việc tập trung đầu tư đưa giống nho có chất lượng tốt, năng suất cao, ổn định về quy mô vùng sản xuất, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất gắn với áp dụng khoa học-kỹ thuật trên diện rộng, đưa cây nho trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tin rằng, với những giải pháp thiết thực của cấp ủy và chính quyền xã, cùng với sự năng động, nhạy bén của nông dân, tương lai không xa cây nho sẽ phủ xanh khắp vùng đất Xuân Hải, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Hồng Lâm