Giá trị kinh tế cao
Ninh Thuận là địa phương có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho sinh trưởng và phát triển cây nho. Đây là loại cây trồng đặc thù của địa phương, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác trên cùng diện tích canh tác, hàng năm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người sản xuất. Theo thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích nho trồng toàn tỉnh hiện có 1.220 ha, tập trung chính ở: Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Phan Rang-Tháp Chàm… Sản lượng hàng năm ước đạt 31.310 tấn. Tổng giá trị nho thu hàng năm khoảng 830 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại “Nho Ba Mọi” xã Phước Thuận (Ninh Phước), cho biết: Nho là loại cây trồng có có giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng chính của tỉnh, hiệu quả kinh tế của cây nho cao hơn 8-9 lần so với cây lúa... Nếu áp dụng đúng quy trình, tổng thu từ sản xuất nho dao động từ 750-900 triệu đồng/ha/năm tùy từng loại giống, trừ các chi phí đầu tư thì thu nhập đạt từ 280-320 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, các sản phẩm chế biến sau nho cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ mở rộng diện tích, công ty ông còn xây dựng “vệ tinh” cho mình hàng chục hộ dân trồng nho sạch với diện tích gần 25ha để cung cấp sản phẩm cho công ty. “Khi đã xây dựng được thương hiệu thì không lo rớt giá, ép giá. “Nho Ba Mọi” luôn một giá 70.000 đồng/kg nho xanh và 40.000 đồng/kg nho đỏ, được thị trường chấp nhận và có mặt tại các siêu thị, cửa hàng uy tín của cả nước”. ông Ba Mọi cho biết thêm.
Du khách tham quan vườn nho Ba Mọi. Ảnh: X.Bính
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tuy diện tích nho trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 3%-3,5% tổng diện tích gieo trồng, nhưng giá trị sản xuất hàng năm của cây nho đạt từ 19% đến 20% tổng giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt. Ngoài ra, các sản phẩm từ nho đã mở ra thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ-du lịch… tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Thuận. Cây nho là cây chủ lực, đặc thù, có lợi thế so sánh của tỉnh. Không chỉ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Thuận đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Phát triển bền vững
Theo Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh giai đoạn 2011-2020”, cây nho vẫn được tỉnh ta tiếp tục xác định là cây trồng chủ lực. Định hướng đến năm 2020, diện tích nho phải đạt 2.553 ha, sản lượng đạt 70.000 tấn, trong đó: nho ăn trái 2.333 ha, sản lượng 69.450 tấn; nho rượu: 220 ha, sản lượng 550 tấn, các quy hoạch (quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch các khu vực sản xuất nho chất lượng cao...) phải được bổ sung phù hợp; các cơ chế và chính sách hỗ trợ cho phát triển nho được xây dựng. Đảm bảo hài hòa lợi ích cho mọi thành phần tham gia trong các khâu (sản xuất-chế biến- tiêu thụ) trong chuỗi giá trị nho và các sản phẩm sau nho. Theo dự tính, khi diện tích trồng nho được mở rộng khoảng 2.553 ha sẽ giải quyết việc làm cho 10.000-12.000 người trong vùng thực dự án và nâng cao thu nhập cho người trồng nho.
Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển để nâng cao vị thế, giá trị của cây nho, mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh. Tỉnh đã khảo sát đánh giá các khu vực đất trồng nho phù hợp, với tổng số diện tích có khả năng trồng nho trên địa bàn toàn tỉnh hơn 7.905 ha, trong đó có khoảng 4.000 ha đất chủ động nước tưới. Đây là điều kiện rất thuận lợi để mở rộng diện tích nho trong những năm tới. Hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn với quy mô 2.553 ha, cụ thể: Huyện Ninh Phước 1.716,68 ha, Ninh Hải 230,49 ha, Thuận Nam 252,27 ha, Ninh Sơn 142,29 ha và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 211,48 ha.
Du khách chọn mua sản phẩm tại Trang trại nho Ba Mọi.Ảnh: S.N
Song song, tỉnh đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất nho chất lượng cao, tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 100 ha, có cơ sở sơ chế ban đầu: phường Văn Hải, xã Nhơn Sơn và thị trấn Khánh Hải. Đồng thời mở rộng và hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất nho chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP (hiện nay đã mở rộng thêm diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp 110 giấy chứng nhận VietGAP cho 1.197 hộ dân sản xuất trên diện tích 280 ha và đang tiến hành mở rộng diện tích nho này), hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, bảo quản sau thu hoạch... Cùng với đó, công tác đầu tư nghiên cứu phát triển giống nho cũng đã được chú trọng, đẩy mạnh. Hiện có 2 giống nho ăn trái chủ lực (nho xanh NH01-48, nho đỏ Red Cardinal) và 1 giống nho rượu (Shiraz) đang được trồng. Tỉnh đã đã xác định được 8 giống nho có triển vọng (gồm 5 giống nho ăn trái: NH01-152, NH01-153, NH01-39, NH01-96, NH01-26 và 3 giống nho rượu: NH02-97, NH02-90, NH02-137), trong thời gian tới sẽ đánh giá và đưa những giống có triển vọng vào sản xuất.
Ông Phan Quang Thựu cho biết thêm: Để phát triển bền vững Nho Ninh Thuận, tỉnh đang thực hiện chính sách ưu tiên hỗ trợ các thủ tục về đất đai cho những vùng sản xuất nho tập trung; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến rượu vang nho, sản phẩm khác như: nho khô, nước giải khát… Đồng thời hỗ trợ giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật cho vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm từ cây nho Ninh Thuận để mở rộng thị trường. Đến năm 2020, đưa giá trị cây nho chiếm 19-20% giá trị sản xuất ngành trồng trọt và 22-23% giá trị sản xuất cây trồng chính của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ hợp tác với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng, phát triển diện tích trồng nho, khai thác nho và các sản phẩm sau nho, đưa nho là cây trồng có vị trí số 1 tại Ninh Thuận.
Xuân Bính