Sự thay đổi dễ nhận thấy trong chuỗi liên kết nuôi dê, cừu thịt là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho nhiều nông hộ. Những năm qua, Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín, xã Phước Thuận (Ninh Phước) không ngừng cung cấp con giống cho bà con trên địa bàn phát triển sản xuất, tạo thành phong trào nuôi dê, cừu vỗ béo lan tỏa rộng khắp. Với hình thức liên kết theo kiểu nông dân có chuồng trại, công chăm sóc, doanh nghiệp có vốn, kỹ thuật, sản xuất theo chu kỳ khép kín đưa đến lợi ích hài hòa cho các bên tham gia chuỗi giá trị. Không riêng gì kinh tế, mô hình còn đem lại hiệu quả về mặt xã hội, góp phần vào thực hiện thành công chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.
Mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị của Công ty TNHH Phương Thảo.
Chuỗi giá trị liên kết nuôi dê, cừu đang tiếp tục được phát triển lên tầm cao mới, khi hiện nay ngành chức năng đã cấp thêm quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dê Ninh Thuận cho Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín, với 1.428 tem; đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sản xuất thí điểm các sản phẩm thịt dê ép dẻo, dê sấy, cung cấp cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị ngày càng được nhân rộng, nhiều doanh nghiệp, chủ các cơ sở giết mổ gia súc liên kết với nông dân thực hiện thành công. Điển hình là ông Lê Văn Giàu, chủ Cở sở giết mổ Bích Huyền, ở khu phố 1, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) liên kết với 500 hộ chăn nuôi số lượng lên đến hàng ngàn con dê, cừu.
Lựa chọn những sản phẩm đặc thù ưu tiên xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi là cách làm tạo được sự khác biệt, nâng tầm thương hiệu mặt hàng thực phẩm sản xuất ở vùng nắng gió cực Nam Trung Bộ. Năm 2018, sau khi heo đen được đưa vào danh sách sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù của tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi giữa bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Suối Đá, với 27 hộ ở xã Lợi Hải (Thuận Bắc). Cùng với đó, các hộ nuôi giống bò vàng Ninh Thuận có khả năng thích nghi với khí hậu khô hạn, chất lượng thịt thơm, ngon cũng đã liên kết với Công ty TNHH Phương Thảo, đóng trên địa bàn xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) sản xuất theo chuỗi giá trị. Năm 2018, công ty trực tiếp cung cấp con giống, kỹ thuật, thuốc thú y cho 10 hộ ở huyện Ninh Sơn nuôi 1.000 con bò giống, bước sang năm 2019, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng liên kết với nông dân huyện Thuận Bắc.
Nhìn lại hoạt động xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi để thấy ưu điểm của hình thức liên kết là mở rộng ở nhiều đối tượng vật nuôi, nông dân có khát vọng làm giàu, sẵn ràng “bắt tay” làm ăn với những doanh nghiệp lớn mang tầm ảnh hưởng trong toàn khu vực. Trên địa bàn tỉnh có 44 trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Thuận với số lượng khoảng 40.500 con heo, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào cung cấp cho thị trường trong cả nước. Để tạo ra mặt hàng thực phẩm sạch, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2015 - 2020 đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở giết mổ gia súc vừa được đầu tư xây dựng áp dụng công nghệ tiên tiến đi vào hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử, Cơ sở giết mổ tập trung ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm sau một thời gian triển khai gặp khó khăn, đến nay đã được xây dựng, giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, các cơ sở giết mổ tập trung ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải cũng đang được xúc tiến xây dựng là thành công lớn trong phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi.
Theo kế hoạch, năm 2019 bên cạnh duy trì các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi triển khai trong thời gian qua, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ xây dựng 2 chuỗi liên kết gắn với giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm chăn nuôi, nhất là các sản phẩm đặc thù, như: Dê, cừu, bò vàng, heo đen.
Tuấn Anh