Chợ Hữu Đức là đầu mối giao thương hàng hóa của người dân trên địa bàn thôn và một số vùng lân cận, được xây dựng trên diện tích gần 5.000m2. Đây là công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng chợ cũ do Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư, với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà lồng chợ, cổng, tường rào, nền bê tông, nhà để xe, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước và thu gom rác đạt chuẩn. Chợ thu hút trên 100 tiểu thương buôn bán; trong đó, số tiểu thương tham gia kinh doanh mặt hàng thực phẩm, thức ăn qua chế biến là 60 hộ.
Mặt hàng thịt heo bán tại chợ đều được qua khâu kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh đáp ứng tốt các tiêu chí về cơ sở vật chất, công tác bố trí từng khu vực buôn bán được Ban Quản lý chợ sắp xếp khá hợp lý, khu kinh doanh thực phẩm tươi sống như: Thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau, củ, quả, hàng ăn uống được tách bạch riêng biệt với các mặt hàng quần áo, giày dép… Là một tiểu thương gắn bó lâu năm với chợ Hữu Đức, chị Lê Thị Mỹ Vân (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) chia sẻ: Tôi bán thịt heo tại chợ trên 10 năm, bản thân luôn ý thức về VSATTP, mỗi ngày đều lau chùi sạp hàng sạch sẽ. Từ khi chợ được chọn làm mô hình điểm về VSATTP, việc kinh doanh của tiểu thương có nhiều thuận lợi, khách đến mua hàng yên tâm hơn.
Để nâng cao nhận thức về VSATTP, các phòng, ban chuyên môn của huyện quan tâm tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATTP cho tiểu thương, nhất là đối với các hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống, hàng ăn uống. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở tiểu thương nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh tại khu vực buôn bán, sử dụng sản phẩm sạch, an toàn được thực hiện thường xuyên. Ông Đinh Xuân Hồng, Trưởng Ban Quản lý chợ, cho biết: Mô hình nhận được sự đồng thuận cao của tiểu thương cũng như người tiêu dùng, nên hoạt động kinh doanh ngày càng đi vào nền nếp. Để quản lý tốt ATTP trong chợ, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra hàng hóa trước khi đưa vào chợ; đặc biệt đối với những hộ buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, cung cấp thực phẩm tươi sống bị nhiễm bệnh đều được nhắc nhở kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tốt VSATTP.
Đồng chí Huỳnh Xuân Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hữu, cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất khang trang hơn; đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức, nâng cao vai trò của Ban Quản lý chợ trong việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn hàng. Ngoài ra, nhằm cung cấp hàng thực phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng, hiện nay xã đang tiến hành quy hoạch vùng trồng măng tây xanh và rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 8 ha. Với cách làm này, không chỉ góp phần tiêu thụ hàng nông sản sản xuất tại chỗ mà còn từng bước hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng của người dân.
Hồng Lâm