Sau đợt lũ lớn vừa qua, huyện Ninh Phước là địa phương chịu thiệt hại năng nề nhất về sản xuất nông nghiệp. Mưa lũ đã làm ngập úng 3.879,5 ha cây trồng vụ mùa, trong đó có 3.232 ha lúa đang trổ bông, 104,2 ha bắp, 487,8 ha nho, táo và 569,3 ha rau màu các loại. Tại các vùng trồng rau màu và nho, táo thuộc xã An Hải, tranh thủ nước rút đến đâu, nông dân đã khẩn trương khắc phục lại những cây bị ngã đổ, bơm nước, đào rãnh để giảm thiệt hại, sớm ổn định sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Trinh, ở thôn An Thạnh 2, xã An Hải đang cùng gia đình túc trực bơm nước cho gần 3 sào nho trong vườn nhà. Giàn nho đỏ sau 2 năm chăm sóc, đang ở thời điểm sung sức nhất, khá sai trái, hứa hẹn cho thu hoạch vụ tết. Tuy nhiên do bị ngập sâu trong nước lũ nhiều ngày qua, toàn bộ lá trên giàn đã quăn lại, nách chồi bị nấm, những trái nho xanh non cứ rụng dần. Anh Trinh cho biết: Bây giờ không còn khả năng ăn trái vụ này, nhưng phải bơm nước để cứu gốc nho chờ vụ sau. Nếu không kịp thời thì phải bỏ cả dàn nho, mất trắng cả trăm triệu đồng.
Người dân thôn An Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước) bơm nước để cứu giàn nho.
Không riêng hộ anh Trinh, nhiều hộ dân ở vùng sản xuất rau an toàn An Hải cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Nước lũ đã phủ trắng làm nhiều diện tích trồng măng tây xanh, cải trắng, rau mùi (ngò) và hành tím bị thiệt hại nặng nề, khiến nhiều nông hộ mất đi nguồn thu nhập. Ông Đỗ Mậu Hải, thôn Tuấn Tú đang tranh thủ tháo nước, dựng lại từng gốc măng tây ngã đổ, chia sẻ: Măng tây là cây trồng rất có giá trị kinh tế được nông dân địa phương trồng khá nhiều. Riêng gia đình trồng đến 2 ha, đang trong giai đoạn thu hoạch cho thu nhập 1 triệu đồng/ngày. Nhưng nay bị thất thu do nước lũ lớn làm ngập quá nửa thân cây. Chờ nước rút hết, sẽ tiến hành cắt cành, dưỡng rễ, cứu từng gốc cây để gầy lại.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, toàn tỉnh có khoảng trên 4,8 ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do mưa bão. Cụ thể Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 593 ha, huyện Ninh Phước 3.879,5 ha, huyện Thuận Bắc trên 78 ha, Bác Ái 12,75 ha, huyện Ninh Sơn gần 825 ha và huyện Thuận Nam hơn 245 ha. Để người dân sớm ổn định sản xuất, các địa phương đã tập trung nạo vét, gia cố các tuyến kênh mương nội đồng, tổ chức bơm tháo nước để nông dân tiếp tục sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiểm tra đánh giá cụ thể diện tích cây trồng bị thiệt hại, có kế hoạch hỗ trợ giúp nông dân tái sản xuất. Nhằm kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, cũng như chủ động phòng tránh những bất lợi thời tiết đối với sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc đối với các loại cây trồng bị thiệt hại như: lúa, nho, táo, rau màu các loại và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng sau mưa lũ.
Ông Phạm Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Đối với các diện tích lúa bị ngập úng, các địa phương cần tiếp tục khơi thông các dòng chảy, tổ chức tiêu úng cho đồng ruộng, ưu tiên thoát nước cho vùng trũng thấp. Những diện tích có khả năng phục hồi, sau khi nước rút bà con cần sục bùn phá váng, bón thúc phân tạo điều kiện để cây phục hồi. Với những diện tích lúa bị vùi lấp không còn khả năng phục hồi, cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, tiến hành làm đất ngay để gieo sạ vụ đông-xuân hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Đối với cây ăn quả như nho, táo, ổi… cần khẩn trương đào mương để thoát nước, xới nhẹ lớp đất mặt để thông khí; bổ sung các chế phẩm kích thích ra rễ và hạn chế bệnh thối rễ, đồng thời thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh, dọn dẹp cỏ dại, trái thối, cành, lá bị bệnh ở vườn cây để tránh lây lan; tiến hành bón vôi vào đất để khử trùng, kết hợp bón phân để phục hồi vườn cây. Lưu ý, không bón phân hóa học vào đất đối với các cây ăn quả bị long gốc. Trong thời gian này, cây trồng đang suy yếu, chưa hồi phục, không phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao, dễ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh, phát triển gây hại. Mặt khác, cần thường xuyên theo dõi vườn cây, để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Anh Tuấn