Điều cần khẳng định là huyện Ninh Phước tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05- NQ/TU, ngày 10-10-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo động lực mới giúp nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC. Trong đó có các chương trình, dự án CNC phát huy hiệu quả rõ rệt được nông dân trên địa bàn huyện mở rộng diện tích như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, mô hình cánh đồng lớn, sản xuất bắp lai nhân giống, măng tây xanh, canh tác cây nho theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau an toàn…Nhờ đó đã đưa giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác tăng từ 142,3 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 180 triệu đồng/ha vào cuối năm 2018; thu nhập bình quân đầu người từ 23,9 triệu đồng tăng lên 41 triệu đồng.
Du khách tham quan trải nghiệm tại Trang trại nho Ba Mọi, xã Phước Thuận.
Đặc biệt là các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp CNC kết hợp du lịch sinh thái ở huyện Ninh Phước thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đưa đời sống người dân vùng dự án ngày càng phát triển bền vững. Đơn cử, Trang trại nho Ba Mọi với quy mô canh tác 2 ha áp dụng CNC vào canh tác cho chất lượng sản phẩm an toàn đã trở thành điểm đến tham quan của du khách trong cả nước. Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại cho biết trong dịp nghỉ hè và những ngày nghỉ lễ, mỗi ngày trang trại thu hút trên 1.000 lượt khách đến tham quan, mua sản phẩm. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động có thu nhập trung bình 4- 6 triệu đồng/tháng. Với phong cách làm du lịch chuyên nghiệp, trang trại nho Ba Mọi trở thành địa chỉ “du lịch xanh” hấp dẫn của huyện Ninh Phước. Từ mô hình sản xuất nông nghiệp CNC kết hợp du lịch sinh thái của Trang trại nho Ba Mọi, chính quyền xã Phước Thuận đã vận động 150 nông hộ ở thôn Phước Khánh chuyển dịch ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nho tập trung theo mô hình cánh đồng lớn CNC với diện tích 30 ha. Vùng nho cánh đồng lớn của xã Phước Thuận áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào canh tác cho sản phẩm chất lượng cao được thị trường ưa chuộng. UBND xã Phước Thuận phối hợp với các ngành chức năng huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông, quảng bá điểm đến du lịch. Qua đó đưa xã Phước Thuận trở thành vùng nho du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh.
Hoặc như du lịch sinh thái cánh đồng sen với diện tích khoảng 3 ha của 5 nông hộ ở làng Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân) được hình thành đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay. Các nông hộ đầu tư xây dựng lều trại với các hoạt động vui chơi, dã ngoại thu hút đông đảo du khách tham quan nghỉ dưỡng, chụp ảnh lưu niệm với cánh đồng sen. Thôn Ninh Quý 2 thuộc xã Phước Sơn hiện có cánh đồng sen Bàu Xít rộng trên 14 ha, đây là cánh đồng sen có diện tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương quy hoạch mời gọi các nhà đầu tư xây dựng Bàu Xít trở thành khu du lịch sinh thái với nhiều hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi gắn với tham quan mua sắm sản phẩm từ các vườn nho, vườn táo nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời xây dựng thôn Ninh Quý 2 trở thành mô hình Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu của huyện Ninh Phước.
Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải), cho biết: Đơn vị có 50 hộ thành viên canh tác 40 ha măng tây xanh Atticus F1 (Hà Lan) theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Bà con ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn ở địa phương. Một số nông hộ chủ động đầu tư lắp đặt thiết bị tưới tự động hóa điều khiển thông qua sóng điện thoại di động. HTX liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu mua măng tây xanh cho nông dân với giá 50 ngàn đồng/kg. Cây măng tây xanh cho lợi nhuận trung bình trên 500 triệu đồng/ha/năm. HTX mở rộng cánh đồng lớn quy mô 20 ha theo mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch thu hút du khách tham quan măng tây xanh.
Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Toàn huyện tập trung đưa Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 vào thực tiễn cuộc sống. Mục tiêu của địa phương phấn đấu đến năm 2020, sản xuất CNC chiếm 30-35% giá trị ngành nông nghiệp; giá trị sản xuất CNC tăng hơn 20-25% so với sản xuất nông nghiệp bình thường. Tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, nông nghiệp hữu cơ, quy mô lớn để xây dựng và nâng cao thương hiệu sản phẩm gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp CNC kết hợp du lịch sinh thái. Đưa tổng giá trị sản xuất các ngành so với năm 2015 tăng 2,8 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,6 lần vào năm 2020.
Sơn Ngọc