Điểm đến mới của các “ông lớn” lữ hành
Một trong những dấu ấn quan trọng của DL Ninh Thuận trong năm 2018 đó là hầu hết các doanh nghiệp lữ hành DL lớn của Việt Nam đều đưa khách hoặc ký kết với các doanh nghiệp DL địa phương để đưa khách trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận. Các tên tuổi như: VietSun Travel, Đất Việt Tour, Fiditour, Lê Phong Travel, Vietravel, TST, Lửa Việt, FiDi tour, Bến Thành Tourist, Sài Gòn Tourist, VietMark...đều tổ chức các tour, tuyến tham quan, nghỉ dưỡng đưa du khách đến với Ninh Thuận. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết, hè… các đơn vị này đã chủ động liên kết với các khu tham quan, nghỉ dưỡng DL của tỉnh trước thời gian từ 1 đến 3 tháng để đặt tour tham quan, nghỉ dưỡng... nên công suất sử dụng phòng tại Ninh Thuận vào các dịp cao điểm luôn trong trạng thái quá tải.
Du khách tham quan Khu du lịch Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: V.M
Thông qua các hãng lữ hành lớn này, lượng khách đến Ninh Thuận ngày càng tăng và lưu trú dài ngày hơn. Theo báo cáo của các cơ sở lưu trú DL hàng tháng, số phòng được đặt trong 9 tháng năm 2018 tăng cả về thời lượng lưu trú (dài ngày) và có sự khác biệt so với mọi năm là lượng khách các tỉnh phía Bắc, quốc tế về Ninh Thuận bằng đường hàng không tăng tương đối khá (lượng khách chi tiêu cao). Không chỉ đưa khách đến với Ninh Thuận, nhằm giới thiệu và tiếp thị thị trường DL cho du khách, trên các Website chính của các công ty này đều “dành đất” để giới thiệu về tiềm năng, văn hóa, DL Ninh Thuận và những tour, tuyến nghỉ dưỡng ngắn, dài ngày. Với uy tín của mình, các công ty này trở thành cầu nối tiếp thị, quảng bá nhanh nhất những tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, sản phẩm đặc thù của DL Ninh Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Công Ninh, Phó Giám đốc Resort Con Gà Vàng, cho biết: “Đây là kênh tốt nhất để quảng bá DL Ninh Thuận đến với du khách. Sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên DL từ lái xe đến hướng dẫn viên, sự chỉn chu, nghiêm túc của công ty lữ hành lớn trong việc lựa chọn dịch vụ ăn, nghỉ, điểm đến tham quan sẽ tạo hứng khởi, niềm tin cho du khách đến với Ninh Thuận. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho việc phát triển các loại hình dịch vụ DL của địa phương, mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh”.
Đến làn sóng mới đầu tư
Ninh Thuận có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến mới đối với khách DL, với nguồn tài nguyên DL biển, môi trường sinh thái độc đáo và chưa bị đô thị hoá nhiều nhất là trong bối cảnh các thủ phủ DL biển ở vùng Nam Trung Bộ như Nha Trang, Phan Thiết có dấu hiệu quá tải. Nhận thấy cơ hội để ngành DL cất cánh, tỉnh ta đang đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và đầu tư DL khắp trong và ngoài nước. Trong năm 2018, tỉnh đã liên tiếp tổ chức 2 Hội nghị xúc tiến quảng bá DL quy mô lớn ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm lớn. Thông qua công tác xúc tiến đầu tư đã thu hút nhiều dự án DL có quy mô lớn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 61 dự án đầu tư về DL, với tổng diện tích trên 1.986 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Trong 10 tháng, hàng loạt cơ sở lưu trú mới đưa vào sử dụng, tăng số lượng phòng nghỉ, kịp thời phục vụ nhu cầu của du khách, giảm sự đầu cơ, tăng giá của một số cơ sở như trước đây. Tính đến tháng 10-2018, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh có 132 cơ sở/2.843 phòng từ resort cao cấp đến các cơ sở lưu trú đạt chuẩn khác, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Du khách đến tham quan Trang trại Nho Ba Mọi. Ảnh: S.Ngọc
Riêng trong quý III-2018, đã xuất hiện hàng loạt nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản, DL nghỉ dưỡng như: Công ty CP Vinpearl, Công ty CP T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành... đến Ninh Thuận khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực DL nghỉ dưỡng. Trong đó, một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch. Trong đó phải kể tới tập đoàn Crystal Bay. Hiện tập đoàn này đang đề xuất đầu tư vào Ninh Thuận 4 dự án lớn, với quy mô lên tới 10.000 phòng khách sạn 4-5 sao, trong đó 3 dự án mới đây đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương về phương án quy hoạch kiến trúc, đó là tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh công viên Bình Sơn; tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3.740 phòng cùng khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ và dự án Khu du lịch Bãi Cốc trong-Bãi Cốc ngoài khoảng 270 phòng.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020 do Tập đoàn Tư vấn Monitor thiết kế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Ninh Thuận sẽ định hướng phát triển theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng tái tạo, DL nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao... Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó riêng về chính sách DL, Chính phủ đồng ý bổ sung các khu DL Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh vào các khu DL quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chính phủ cũng giao UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch khu DL quốc gia Ninh Chữ, trong đó xác định Ninh Chữ là trung tâm và bổ sung các khu DL Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh là các vệ tinh thuộc Khu DL quốc gia; lập đề án đề nghị bổ sung các Khu DL Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đây có thể được xem là “kim chỉ nam” cho tỉnh trong quy hoạch, phát triển và đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư vào lĩnh vực DL tại Ninh Thuận.
Xuân Bính