Anh Nguyễn Văn Tài Nông dân sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp

(NTO) Thôn Phước Khánh thuộc xã Phước Thuận (Ninh Phước), có diện tích tự nhiên 111,32 ha với địa hình được bao bọc bởi sông Quao và sông Dinh nên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, Chi hội Nông dân thôn Phước Khánh khởi động xây dựng vùng nho tập trung 30 ha (trong đó có 10 ha nho VietGAP) kết hợp làm du lịch vườn mà nòng cốt thực hiện chính là anh Nguyễn Văn Tài, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn.

Để phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, từ những năm trước, bà con nông dân thôn Phước Khánh đã thành lập tổ, nhóm đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó điển hình là Tổ xây dựng Điểm trình diễn mô hình thâm canh và tưới tiết kiệm cho cây nho kinh doanh gồm 10 hộ nông dân, do anh Nguyễn Văn Tài làm Tổ trưởng. “Hiệu quả mang lại của mô hình thấy rõ, không chỉ giúp giảm chi phí, tăng năng suất mà còn giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, trở thành lực lượng chính thực hiện Đề án xây dựng vùng nho tập trung kết hợp làm du lịch vườn”- anh Tài cho biết. Tâm đắc với đề án này, anh dự kiến lấy khoảnh sân rộng trước nhà mình làm địa điểm tổ chức cho khách du lịch tham quan, mua nho. Để hiện thực hóa đề án, anh đang vận động người trồng nho trong vùng bán nho tươi theo một giá thống nhất chung. Không chỉ có ý tưởng về du lịch, anh Nguyễn Văn Tài còn chứng tỏ mình là nông dân sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Với vườn nho đỏ diện tích 2 sào, anh Tài canh tác 3 vụ/năm, năng suất bình quân 1,5 tấn/sào/vụ, riêng vụ đông-xuân có thể đạt năng suất 3 tấn. Do giá bán nho tươi lên xuống thất thường nên thu nhập người trồng nho bấp bênh. Nhận ra điều này, anh Tài luôn trăn trở tìm tòi phương pháp sản xuất kinh doanh hiệu quả và cơ duyên đã đến với anh. Cách đây hơn 3 năm, có người ở Hà Nội đến nhà anh mua gốc nho về bán làm cảnh. Với giá bán 30.000 đồng/gốc, ngay lần đầu anh đã bán được 800-1.000 gốc. Sau này biết được đây là cơ sở lớn về ghép gốc nho làm cây cảnh ở Hà Nội, cứ hàng tuần anh gom hàng bán. Hồi trước làm chậu lớn nên mỗi chuyến xe không chở được nhiều, dần dần anh rút kinh nghiệm, chuyển qua làm chậu nhỏ, vừa đủ mỗi xe chở 2.000 gốc. Cứ mỗi tuần là giao hàng, trước đó 2-3 ngày anh Tài đi mua tại các vườn nho, với giá 17-18.000 đồng/gốc, rồi bán lại giá 30.000 đồng (nếu là gốc lớn), 20-25.000 đồng (nếu là gốc nhỏ).

Anh Nguyễn Văn Tài chăm sóc gốc nho để cung cấp cho khách hàng mua làm cảnh.

Từ bán gốc nho ban đầu cho thu nhập hằng tháng 30-40 triệu đồng, theo yêu cầu của khách hàng, anh Tài mày mò học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào làm thêm việc chiết cành nho đang ra trái, rồi ghép vào thân gốc non làm cây cảnh bán vào dịp tết. Tết vừa rồi, anh Tài mua mão 2 sào nho đang sai trái sắp chín (với giá 20 triệu đồng) rồi ra giàn chiết chùm nho, ghép vào gốc bán, với giá 150.000 đồng/chậu. Khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng đã tìm đến tận nơi để mua nho kiểng, mỗi mùa tết anh thu được trên 50 triệu đồng. Anh kể, hàng này khi vào TP. Hồ Chí Minh, lên Gia Lai hoặc ra các tỉnh phía Bắc có giá từ 800.000-1.000.000 đồng/chậu nên người trồng nho kiểng không lo về tiêu thụ. Từ hiệu quả kinh tế mang lại của nho kiểng, biết rõ ở vùng Phước Dinh (Thuận Nam), An Hải (Ninh Phước) đang có nhiều loài sâm biển mọc hoang dã, anh Tài dự định trồng sâm biển lấy củ bán. Hiện nay anh đang dành gần 1 sào đất trồng thử nghiệm, nếu thành công anh sẽ phổ biến cho nông dân trong thôn.

Theo anh Phùng Hoàng Chương, Trưởng Ban quản lý thôn, cùng với vùng nho, táo tập trung, Phước Khánh đã có 60 hộ trồng nho, táo và nuôi cừu, dê khép kín. Qua các mô hình, chất lượng sản phẩm cải thiện, đem lại thu nhập cao cho nông dân, trong số các nông dân thực hiện hiệu quả mô hình này có anh Tài. Để nuôi dê, anh tận dụng lá nho, táo của vườn nhà hoặc đi cắt mua tại các vườn khác. Hiện anh đang nuôi trong chuồng 25 con dê vỗ béo, hầu hết là giống dê Bachboer, cứ 6 tháng xuất chuồng 15 con (trọng lượng mỗi con 38-39 kg). Theo anh Tài, nuôi dê nếu lời cao là nhờ bỏ công chăm sóc, trung bình với giá dê thịt 97.000 đồng/kg, mỗi năm 2 lần xuất chuồng, anh thu được trên 20 triệu đồng.

Với tinh thần cầu tiến, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh Tài đã nêu gương nông dân sản xuất giỏi của thôn, là điển hình trong thực hiện phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động. Theo đồng chí Bùi Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, qua mô hình thâm canh và tưới tiết kiệm cho cây nho kinh doanh, anh Tài đang góp phần cùng Chi hội Nông dân thôn Phước Khánh tạo những chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của vùng nho tập trung của địa phương.