So sánh với vụ cùng kỳ năm ngoái diện tích lúa giảm 21,3%, cho thấy chủ trương hạn chế canh tác các loại cây trồng sử dụng nhiều nước, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn của tỉnh được các địa phương thực hiện nghiên túc trong vụ này. Đến thời điểm hiện nay, trà lúa chính vụ gieo từ ngày 24 - 9 đến 10-10 đang ở giai đoạn bón phân đợt 1, đợt 2, riêng cây bắp đang ở thời kỳ phát triển thân, lá.
Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), cho biết: Thông thường vụ mùa sản xuất gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường. Năm nay, tình hình cũng không ngoại lệ, đầu vụ có vài cơn mưa, sau đó nắng kéo dài hết tháng 10 làm cho lượng nước ở các hồ, đập xuống thấp ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là hiện nay cây trồng ở giai đoạn sinh trưởng hấp thụ nhiều nước. Theo báo cáo, tính đến ngày 1-11, nước ở 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn 84,66 triệu m3, chiếm 43,53% dung tích thiết kế, lượng nước của hồ Đơn Dương cũng xuống thấp, đạt 83,3 triệu m3, chiếm 52% dung tích thiết kế.
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) chăm sóc lúa vụ mùa 2018. Ảnh: Anh Tùng
Ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra sâu sắc, các ngành, địa phương đã chỉ đạo nông dân tập trung sản xuất vụ mùa, gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước theo chỉ đạo UBND tỉnh đạt được kết quả. Đến nay, hầu hết diện tích gieo trồng trong kế hoạch đều được Công ty TNHH MTV Khai công trình thủy lợi cấp nước thường xuyên, đảm bảo đủ cho cây trồng phát triển, vừa tránh lãng phí nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ đông-xuân 2018-2019. Ghi nhận của chúng tôi, sản xuất vụ mùa có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương trong hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình thích ứng với hạn hán, nên dù thời tiết có bất lợi nhưng cây trồng vẫn phát triển tốt, 14 cánh đồng lớn sản xuất lúa và các cánh đồng lớn sản xuất bắp tiếp tục được duy trì là thành công lớn trong điều hành, chỉ đạo sản xuất.
Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) chăm sóc cây ớt.
Để sản xuất có hiệu quả trước biến động của thời tiết, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp, các địa phương chỉ đạo nông dân cày ải đất, khuyến cáo sử dụng giống xác nhận, do đó khống chế được dịch bệnh. Nhờ thực hiện phương châm “sạch bờ, sạch ruộng”, nên khắc phục được tình trạng lúa “ma” mọc dày đặc làm giảm năng suất cây trồng như các vụ trước. Nếu như vụ cùng kỳ năm ngoái sau khi gieo sạ 1 tháng, lúa ở một số khu vực có sâu bệnh, nhưng năm nay hiện tượng thiên địch chưa xuất hiện là dấu hiệu đáng mừng. Tuy vậy, theo những người làm chuyên môn, tình hình thời tiết giao mùa, mưa nắng đan xen như hiện nay dễ phát sinh sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn. Đối phó với dịch bệnh trên cây trồng có thể xảy ra, Chi cục TT&BVTV duy trì đốt bẫy đèn ở những địa bàn trồng lúa trọng điểm, tăng cường điều tra diễn biến sinh vật gây hại trên đồng ruộng để dự tính, dự báo chính xác và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp từ đầu vụ mùa đến nay cơ bản diễn ra thuận lợi, công tác bảo vệ thực vật, điều tiết nước hợp lý, cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, nhất là cây trồng ở những vùng chuyển đổi được ngành chức năng, các địa phương tăng cường. Nỗi lo thiếu nước đã được giải tỏa phần nào khi những ngày gần đây có mưa, nhất là vào ngày 7 và 8-11, mưa lớn bổ sung lượng nước đáng kể cho các hồ đập. Thời tiết tuy được cải thiện, nhưng UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chưa vội xuống giống vụ đông-xuân sớm, tập trung cho công tác chăm sóc cây trồng vụ mùa. Trường hợp từ nay đến hết tháng 11 tiếp tục có mưa lớn, thì ưu tiên cho công tác tích trữ nước ở các hồ chứa; đồng thời, xây dựng kế hoạch ứng phó linh hoạt với lũ lụt. Nếu thời tiết diễn biến theo chiều ngược lại, các địa phương phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn, ưu tiên nước phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt của người dân.
Anh Tùng