Nhìn lại hoạt động hợp tác KH&CN giai đoạn 2016-2018 có bước phát triển mới, bắt đầu là tỉnh ký kết với các trường đại học trong nước sau đó mở rộng thêm cả Trường Đại học Liége (Vương quốc Bỉ) thực hiện các đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở từng vùng. Tiêu biểu như Nghiên cứu “Sử dụng vi tảo có chọn lọc để xử lý nước thải nuôi tôm nhằm cải thiện chất lượng tại Ninh Thuận và thu hồi sinh khối vi tảo sản xuất thức ăn chăn nuôi và dầu sinh học” đã góp phần khắc phục hạn chế về ô nhiễm môi trường mặt nước, dịch bệnh, thúc đẩy ngành nuôi tôm phát triển bền vững. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng bao gói khí quyển biến đổi để bảo quản các mặt hàng rau, quả chủ lực của tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh với thời gian dài nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Anh Nguyễn Thường Lang, ở khu phố 2, phường Mỹ Hải (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm)
ươm thành công các loại giống nho nhờ chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến.
Những chương trình, dự án hợp tác đầu tư mới có trình độ công nghệ cao đã phát huy hiệu quả, góp phần vào nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa. Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp, KH&CN đóng góp 44% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của tỉnh vẫn còn một số tồn tại như trình độ chỉ ở mức trung bình, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa có tổ chức đủ năng lực nghiên cứu các nhiệm vụ lớn, quan trọng phạm vi cấp nhà nước, thiếu các chuyên gia đầu ngành có trình độ cao. Số lượng, quy mô doanh nghiệp công nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhỏ, ít quan tâm đến đầu tư đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp KH&CN là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố. Những khó khăn trên đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu đưa hàm lượng KH&CN vào các sản phẩm đặc thù nhằm nâng cao giá trị gia tăng là rất cần thiết.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Để đạt được mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai” trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì vai trò của KH&CN rất quan trọng, là chìa khóa, giải pháp của tất cả “kịch bản” phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Vì vậy, việc liên kết hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Đáng mừng là, mới đây tỉnh đã ký kết thỏa thuận về hợp tác KH&CN với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra. Đối với hợp tác xây dụng tiềm lực KHCN cho tỉnh, Viện cung cấp các chuyên gia hoặc thành lập các Hội đồng KH&CN tư vấn cho tỉnh trong việc cung cấp cơ sở KH&CN góp phần điều chỉnh chiến lược tổng thể phát triển triển kinh tế- xã hội nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN với những hình thức và cấp độ khác nhau; trong đó, ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Riêng hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Viện tích cực chuyển giao kết quả nghiên cứu mới cho tỉnh với những hình thức cơ chế phù hợp. Giai đoạn 2018-2020, định hướng 20 nhiệm vụ ưu tiên hợp tác; trong đó, có 3 nhiệm vụ triển khai trong năm 2018 ở các lĩnh vực: Nông nghiệp; kỹ thuật - công nghệ; tài nguyên - môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hướng tới thực hiện có kết quả các nội dung hợp tác, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động nắm bắt nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đề xuất các công nghệ cần chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng; đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cần giải quyết trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.
Anh Tùng