Nhận thấy trồng lúa mỗi năm thu hoạch 1 vụ không hiệu quả, anh Ty đã tìm về thôn An Thạnh- nơi cây măng tây xanh được trồng rộng rãi để học hỏi kinh nghiệm. Khoảng năm 2017, sau khi nắm được kiến thức cơ bản về trồng và chăm sóc loại cây “chịu hạn” này, anh Ty chuyển 1 ha đất trồng lúa sang trồng măng tây xanh.
Anh Hồ Văn Ty chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng măng tây xanh
đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nếu trước đây với 1 ha lúa, vụ nào trúng mùa thì anh lời khoảng 2 triệu đồng/sào. Nay nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ đất ruộng sang trồng măng tây xanh, anh Ty thấy cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều do lợi nhuận thu vào khá hơn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn măng tây xanh, trong đó có 5 sào đang cho thu hoạch, anh tâm sự: Với 5 sào mỗi ngày tôi thu được khoảng 70kg măng tây xanh, được công ty thu mua tại nhà, bán ra cũng được hơn 3 triệu đồng, cứ như vậy mỗi tháng thu vào gần 100 triệu đồng, lợi nhuận thu về trên cùng 1 diện tích từ măng tây cao hơn trồng lúa rất nhiều. Hiện nay gia đình đang xuống giống mở rộng diện tích thêm 1,5 ha..
Do vùng đất khô hạn, để chủ động nguồn nước tưới quanh năm, anh Ty đầu tư khoảng 90 triệu đồng xây đập tràn để giữ nước, đưa về vùng sản xuất và đào 2 ao tích nước để phục vụ vào mùa khô. Lợi nhuận từ cây măng tây xanh, anh đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất như máy cày, máy sới đất, máy làm cỏ để giảm nhân công lao động.
Không chỉ dừng lại ở mô hình trồng măng tây xanh, gia đình anh Ty còn tận dụng những đoạn măng tây già sát gốc, cắt bỏ đi làm thức ăn nuôi dông với mô hình nuôi thử nghiệm gần 1.000 con. Tận dụng lá và thân cây măng tây xanh khi tỉa cành để làm thức ăn cho bò, dùng phân bò để bón cho cây măng tây xanh tạo thành quy trình khép kín và có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình anh Ty còn tạo việc làm cho 15 lao động làm theo thời vụ và được trả công từ 120 đến 200 ngàn đồng/ngày.
Với tính cần cù, chịu khó và tinh thần ham học hỏi, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Hồ Văn Ty hoàn thành ước nguyện thành lập mô hình sản xuất khép kín để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Hy vọng thành công bước đầu của anh Hồ Văn Ty sẽ là động lực thúc đẩy nhiều hộ dân khác trong vùng mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kim Thùy