Toàn huyện có 3 xã ven biển: Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná chuyên về hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản. Yếu tố tác động tích cực đưa ngành nuôi trồng thủy sản có bước phát triển mới trong những năm gần đây được thể hiện thông qua việc địa phương chủ động triển khai thực hiện chương trình cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị thương mại, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và chất lượng sản phẩm. Tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước ven biển tương đối rộng, huyện tổ chức quy hoạch vùng sản xuất; đồng thời, chú trọng chuyển giao khoa học-kỹ thuật, áp dụng hiệu quả hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên nhiều đối tượng, tạo sự phong phú, đa dạng về chủng loại con giống.
Nông dân xã Phước Dinh kiểm tra quá trình sinh trưởng của ốc hương.
Một trong những đối tượng chủ lực, được ưu tiên phát triển chính là nuôi tôm thẻ chân trắng, chiếm trên 80% trong tổng số diện tích nuôi trồng ở địa phương. Nghề nuôi tôm đưa lại nguồn thu lớn, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, lợi nhuận mang lại đạt gần 100 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài ra, mô hình nuôi ốc hương thương phẩm cũng có bước phát triển mới, trước đây tập trung chủ yếu ở xã Phước Dinh, thì nay được nhân rộng ra các xã Phước Diêm và Cà Ná, với năng suất đạt cao, đầu ra ổn định, tạo sự phấn khởi, giúp hộ nuôi yên tâm mở rộng sản xuất. Cùng với đó, mô hình trồng rong sụn được đánh giá là phù hợp ở địa phương, tận dụng diện tích mặt nước nông dân ven biển đầu tư trồng trên 30 ha, mang lại thu nhập đáng kể, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Một số đối tượng nuôi mới như hàu Thái Bình Dương, rong nho biển, nuôi cá trong ao nước mặn, cá lồng bè, tôm hùm lồng trên biển mới được đưa vào nuôi trồng bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Góp phần đưa nghề nuôi trồng thủy sản phát ổn định, những năm gần đây người dân ngày càng ý thức hơn trong việc lựa chọn con giống, cải tạo đìa nuôi và có trách nhiệm giữ gìn môi trường chung; việc sử dụng chất cấm, kháng sinh phòng trị bệnh tôm được hạn chế. Anh Phan Xuân Đạt, ở thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, chia sẻ: Nuôi tôm theo quy trình an toàn sinh học hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, tỷ lệ sống của tôm đạt trên 90%, năng suất cũng đạt cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 18 hộ nuôi tôm thẻ sử dụng biện pháp xây tường bao quanh ao, áp dụng công nghệ sục khí liên hoàn, máy cho tôm ăn tự động; nuôi ốc hương có mái che, lót đáy bạt, với diện tích 15 ha. Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của công ty giống thủy sản đã đáp ứng tốt nhu cầu giống chất lượng cho hộ nuôi. Hằng năm, các cơ sở giống trên địa bàn sản xuất hơn 2 tỷ con giống các loại với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản mỗi năm đạt khoảng 370 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 3.000 tấn.
Mặc dù đạt được một số kết quả theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên việc nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn luôn đối diện với nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh, giá cả không ổn định… là những yếu tố gây bất lợi cho các hộ nuôi. Để ngành nuôi, trồng thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới, theo đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, ngoài việc quy hoạch lại vùng nuôi tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa, huyện khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản kết hợp nhiều đối tượng trên cùng diện tích nhằm cải thiện môi trường nước; đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô diện tích, nâng cao thu nhập.
Hồng Lâm