Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, DN, kinh tế-xã hội tháng 9 và chín tháng qua đã phát triển toàn diện, đạt nhiều kết quả rất tích cực, kể cả lĩnh vực đối ngoại, an ninh, quốc phòng: GDP chín tháng tăng trưởng rất tốt, đạt 6,98%, thu ngân sách nhà nước tốt hơn, bội chi ngân sách giảm, lạm phát được kiềm chế dưới mức Quốc hội thông qua; xuất khẩu tăng trưởng mạnh... Điều đó chứng tỏ sự chỉ đạo, điều hành của chúng ta kiên quyết, kịp thời, hiệu quả nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định chính sách vĩ mô. Có sự tăng trưởng đồng đều ở ba khu vực kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Sức cầu trong nước tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; chúng ta có mức cán cân thanh toán tốt nhất từ trước tới nay, giải ngân FDI tăng khá. Chính sách tài khoá, tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt, đồng bộ; bảo đảm các cân đối lớn và ổn định vĩ mô trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Đề cập về các khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, nổi lên là căng thẳng thương mại giữa các nước lớn; ngân hàng T.Ư các nước lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Đó còn là biến đổi địa chính trị phức tạp, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường... Trong nước thì áp lực lạm phát tăng, đồng đô-la dự báo còn tăng, nếu chúng ta điều hành chính sách kém thì sẽ dẫn đến khả năng CPI tăng, rủi ro về tỷ giá. Vốn FDI đang có dấu hiệu giảm so cùng kỳ, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy các giải pháp thu hút thêm vốn đầu tư FDI.
Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 trong những tháng còn lại của năm nay. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam hiện đang là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, do đó, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) xem xét, đánh giá để có giải pháp thu hút đầu tư. Bộ Công thương theo dõi chặt diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để có giải pháp ứng phó; thúc đẩy các dự án công nghiệp trọng điểm; có giải pháp tăng cường xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động logistics, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi chặt chẽ, dự báo tình hình tài chính quốc tế, bảo đảm ổn định tỷ giá, tránh đột biến, bảo đảm để DN, người dân yên tâm. Các bộ, ngành chủ động phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại các DN, bảo đảm các DN được chuyển giao hoạt động bình thường, không để xảy ra thất thoát vốn, lãng phí. Bộ KH-ĐT chú trọng đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh nghiên cứu các biện pháp tiếp cận, khai thác lợi thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0), sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý tiền ảo; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát huy vai trò đội ngũ tri thức trẻ. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương phải đề ra chương trình cụ thể thực hiện CMCN4.0.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng dưỡng sức dân, DN, phát triển DN tư nhân, phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng mới. Các bộ, ngành, địa phương phải thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tăng khả năng chống chọi tác động bên ngoài. Bộ Tài chính làm đầu mối thực hiện tái cơ cấu DNNN, vận hành hiệu quả các cơ quan liên quan như Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN; có lộ trình giảm chi thường xuyên, tăng thu nội địa, bảo đảm ngân sách bền vững, tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân với các chính sách thuế. NHNN tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; chú trọng năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại, tăng khả năng chống chọi từ bên ngoài. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy Chính phủ điện tử...
Thủ tướng lưu ý các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường còn tồn tại nhiều vấn đề phải lưu ý như biên chế giáo viên mà dư luận đang có nhiều bức xúc. Tinh thần chung là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư, rà soát, tổ chức xắp sếp lại các điểm trường, điều chuyển, xắp sếp biên chế phù hợp kịp thời theo nguyên tắc không để thiếu giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm việc học hành cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Thủ tướng giao Bộ trưởng Nội vụ sớm thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án xử lý cấp bách vấn đề này trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội nếu được yêu cầu về vấn đề in ấn sách giáo khoa mà hiện dư luận xã hội hết sức quan tâm; yêu cầu có giải pháp khắc phục ngay liên quan in ấn SGK trên tinh thần minh bạch, công khai, tránh độc quyền, lợi ích nhóm. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.
* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe và thảo luận: báo cáo công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV; kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020; đề án mô hình kinh tế chia sẻ.
Tính đến ngày 20-9, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so cùng kỳ năm 2017; giải ngân vốn FDI ước đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6%; chín tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 173,52 tỷ USD, tăng 11,8%; cả nước có 96.611 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký 963,411 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và 6,7% về số vốn.
Nguồn: Nhandan.com.vn