Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có 65 cơ sở kinh doanh, chế biến cá hấp, tập trung tại 3 xã vùng biển: Phước Dinh, Cà Ná và Phước Diêm. Hoạt động chính của các cơ sở chủ yếu sử dụng nguyên liệu cá cơm và các loại hải sản khác để hấp chín, phơi khô và đóng góp thành phẩm. Vài năm trở lại đây, ngư trường ngày càng thuận lợi, sản lượng khai thác đạt cao, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Anh Trần Văn Lộc, chủ cơ sở cá hấp ở xã Cà Ná, chia sẻ: Vào vụ cá Nam, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, mỗi cơ sở chế biến nhận từ 80-100 công lao động, với thu nhập khoảng 200 ngàn đồng/ngày. Sản phẩm làm ra không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan…
Cơ sở chế biến cá hấp ở xã Cá Ná vào mùa sản xuất.
Mặc dù đem lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên nghề chế biến cá hấp ở Thuận Nam chủ yếu phát triển tự phát. Phần lớn các cơ sở hoạt động sản xuất theo phương pháp truyền thống, nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhằm chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm, thời gian qua, huyện phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Công Thương tổ chức nhiều đợt tập huấn hướng dẫn, xây dựng quy trình xử lý nước thải, cách chế biến, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở sản xuất cũng đã nâng cao ý thức, chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải phù hợp. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch khu vực chế biến hải sản tập trung tại thôn Lạc Tiến, xã Phước Minh, với diện tích 17 ha.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Hướng tới phát triển làng nghề cá hấp bền vững, huyện đang chuẩn bị các thủ tục để xúc tiến triển khai xây dựng khu công nghiệp chế biến hải sản tập trung. Trước mắt, phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở thực hiện quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hồng Lâm