Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Hải lần thứ XI đã đề ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2015-2020 là “tập trung phát triển tiềm năng lợi thế kinh tế biển, trọng tâm là kinh tế du lịch, công nghiệp chế biến và dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp”. Theo đó, qua 3 năm thực hiện nghị quyết, nhiều chủ trương, định hướng phát triển kinh tế được Huyện ủy Ninh Hải cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch; tiềm năng, lợi thế của huyện được nhận diện; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh.
Ninh Hải có 862 tàu cá, công suất bình quân 98,4 CV/chiếc.
Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại bến Ninh Chữ, thuộc khu vực thị trấn Khánh Hải. Ảnh: B.T
Đồng chí Trần Văn Đông, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải nhận xét: “Thành tựu quan trọng qua giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020 là Ninh Hải cơ bản đạt và vượt các mục tiêu, phương hướng đã đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn”. Về giá trị sản xuất, tốc độ tăng bình quân 13,3%/13-14% (đạt kế hoạch); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng tăng dần tỷ trọng trong công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng trong nông nghiệp. Cụ thể: Thương mại-dịch vụ (chiếm tỷ trọng 33,65%), công nghiệp-xây dựng (36,35%), nông nghiệp (30%). Năng lực sản xuất của một số ngành tăng trưởng khá đã nâng thu nhập bình quân đạt 36,6triệu đồng/người/năm (đạt 65,4%). Nhiều biện pháp giảm nghèo đã được triển khai có hiệu quả. Hằng năm, huyện giải quyết việc làm cho trên 3.200 lao động, đạt 100% và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,58% xuống còn 3% (mục tiêu dưới 2%). Kinh tế biển, hạ tầng du lịch, giao thông được quan tâm đầu tư phát triển. Tổng giá trị sản xuất từ khai thác kinh tế biển đạt 3.418 tỷ đồng, chiếm 44,7% tổng giá trị sản xuất của huyện.
Nhìn ở lĩnh vực kinh tế biển có thể thấy bước phát triển mới, trước hết là lĩnh vực du lịch. Những năm qua, cùng với quy hoạch xây dựng thị trấn Khánh Hải thành đô thị du lịch; xây dựng khu đô thị ven Đầm Nại; tổ chức quy hoạch 3 cụm du lịch (Vĩnh Hy, Ninh Chữ và Thanh Hải), Ninh Hải tiếp tục được đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, một số dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn. Nhờ các dịch vụ ăn uống, du lịch biển phát triển khá, số lượng khách du lịch hằng năm tăng bình quân 18,3%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 28%/năm; thu hút 2.000 lao động. Về giao thông, tuyến đường ven biển, cầu Vĩnh Hy hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, khơi thông tiềm năng du lịch trên địa bàn. Các công trình khởi công mới tiếp tục được đầu tư như: Nâng cấp bến cá Mỹ Tân thành cảng loại II, cảng Ninh Chữ lên cảng hỗn hợp (đang tiến hành lập đồ án quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư); đầu tư đường 704 kết nối quốc lộ 1 với thị trấn Khánh Hải, đường vành đai giao thông Bắc Nhơn Hải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói chung, du lịch nói riêng.
Đối với ngành thủy sản, nuôi trồng thủy sản từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng được nâng cấp, diện tích nuôi thủy sản bình quân hàng năm trên 600 ha, với tổng sản lượng bình quân 2.700 tấn/năm. Nhiều mô hình được áp dụng nhân rộng như: Nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm, rong biển theo VietGAP và chuỗi giá trị; nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao đất. Về sản xuất giống, toàn huyện có 190 Công ty, cơ sở sản xuất giống, sản lượng tôm giống bình quân 5.426 triệu post/năm. Về khai thác thủy sản, cơ cấu thuyền nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hạ thủy 12 tàu thuyền theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Toàn huyện hiện có 862 chiếc/84.815 CV; công suất bình quân 98,4 CV/chiếc, tổng công suất tăng 20.093 CV so với năm 2015. Sự tăng thêm năng lực tàu thuyền đã mang lại hiệu quả đánh bắt, sản lượng khai thác hải sản trung bình đạt 14.000 tấn/năm.
Nhìn chung, qua giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội XI của Đảng bộ huyện, Ninh Hải phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong huyện, gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Hải đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Lĩnh vực văn hóa chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên đã nâng cao dân trí, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện tốt; chất lượng khám và điều trị cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố. Người có công được chăm sóc kịp thời, đảm bảo đúng chế độ. Bên cạnh kết quả đạt được về kinh tế, bộ mặt nông thôn ở Ninh Hải có nhiều khởi sắc; quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định.
Theo đồng chí Trần Văn Đông, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, hoàn thành thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, giai đoạn 2019-2020, trong thời gian đến, Ninh Hải phát huy tiềm năng lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế biển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-dịch vụ, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2016-2018. Trọng tâm là phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng 4,18 lần; thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm; xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2019.
Bạch Thương