Ông Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cho biết: Ước đến cuối tháng 9-2018, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 12.850 tỷ đồng, tăng 2.768 tỷ đồng so với cùng kỳ và tăng 1.839 tỷ đồng so với cuối năm 2017, đạt 111,5% kế hoạch năm. Trong đó, chủ lực vẫn là tiền gửi tiết kiệm từ dân cư đạt 8.930 tỷ đồng, chiếm 69,49% trong tổng nguồn huy động, tăng 1.573 tỷ đồng và tăng 21,38% so với cùng kỳ năm trước. Từ nguồn vốn huy động này đã tạo thêm nguồn lực để các Ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tư hiệu quả vào các dự án, chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Ước tính đến ngày 30-9, tổng dự nợ trên địa bàn đạt 20.200 tỷ đồng, tăng 3.320 tỷ đồng và tăng 19,67% so với cùng kỳ, đạt 68,5% kế hoạch. Cụ thể, dư nợ ngắn hạn đạt 9.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,51% trong tổng dư nợ, tăng 1.889 tỷ đồng và tăng 23,88%; dư nợ trung, dài hạn đạt trên 10.400 tỷ đồng, chiếm 51,49%, tăng 1.431 tỷ đồng và tăng 15,95% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Ninh Thuận
đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Ảnh: Văn Miên
Bên cạnh đầu tư tập trung cho sản xuất kinh doanh, dòng vốn ngân hàng cũng đã được định hướng vào đầu tư sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của tỉnh. Đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay phát triển ngành nông nghiệp - thủy sản đạt 5.130 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,40% trong tổng dư nợ, tăng 796 tỷ đồng so với cùng kỳ; công nghiệp- xây dựng đạt 3.220 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,94%, tăng 325 tỷ đồng so với cùng kỳ; thương mại - dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng đạt 11.850 tỷ đồng, tăng 2.199 tỷ đồng so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 58,66% trong tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện, ước đến cuối tháng 9, dư nợ xấu trên địa bàn còn 250 tỷ đồng, chiến tỷ lệ 1,24% so với tổng dư nợ, giảm 0,03% so với tỷ lệ 1,21% của cùng kỳ năm 2017.
Thực hiện các giải pháp hoạt động tín dụng tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đến ngày 31-8-2018, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay đối với 123 hợp đồng tín dụng (HĐTD), với số tiền 21 tỷ đồng, nâng lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ từ tháng 5-2012 đến 31-8-2018 có tổng số 5.880 HĐTD với số tiền 1.917 tỷ đồng. Cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên với số tiền 9.600 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp chiếm 56,1%, hộ vay chiếm 43,9%.
Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng, trong 9 tháng ngành Ngân hàng tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt và kết nối ngân hàng-doanh nghiệp năm 2018. Tại hội nghị, 3 chi nhánh NHTM trên địa bàn đã ký kết hợp đồng tín dụng với 9 doanh nghiệp, tổng số tiền cam kết cho vay 499 tỷ đồng. Đến ngày 31-8, các NHTM tham gia ký kết đã giải ngân đạt 303 tỷ đồng, bằng 60,7% số tiền cam kết cho vay. Hiện nay, các NHTM tiếp tục chủ động trong tìm kiếm khách hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng doanh nghiệp và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý.
Bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các NHTM còn đầu tư tín dụng theo các cơ chế chính sách của Chính phủ, của ngành. Đơn cử như, đầu tư tín dụng theo Nghị định 55/2017/NĐ-CP phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn doanh số cho vay trong 9 tháng, đạt 5.650 tỷ đồng, tăng 102 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến cuối tháng 9 đạt 6.100 tỷ đồng/42.050 khách hàng, tăng 760 tỷ đồng và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 4.060 tỷ đồng/105.026 khách hàng, tăng 550 tỷ đồng so với cùng kỳ; trong số này, dư nợ trung và dài hạn 2.600 tỷ đồng, chiếm 64,04%. Cho vay xuất khẩu ước đến ngày 30-9-2018 đạt dư nợ 770 tỷ đồng, giảm 90 tỷ đồng so với cùng kỳ, giảm 200 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dư nợ ước đạt 3.220 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm như cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, lũy kế từ đầu chương trình đến ngày 13-9-2018 có 43 dự án của ngư dân được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, tất cả đã ký HĐTD với số tiền cam kết cho vay 422,61 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 414,57 tỷ đồng, đạt 98,1%. Cho vay chương trình hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ, đến ngày 31-8 dư nợ đạt 23,832 tỷ đồng, với 83 khách hàng. Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dư nợ đến ngày 31-8 đạt 81,573 tỷ đồng/2 khách hàng là Công ty Thông Thuận và Công ty Cổ phần Mía đường Biên Hòa – Phan Rang, với số lãi hỗ trợ trong năm 2018 gần là 2,5 tỷ đồng. Cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30-9, tổng dư nợ ước đạt 2.010 tỷ đồng/99.015 khách hàng, tăng 273 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Với những chỉ số tăng trưởng tín dụng như đã nêu trên, cho thấy các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh mà ngành Ngân hàng triển khai đã phát huy hiệu quả. Để tiếp tục “khơi thông” nguồn vốn vào nền kinh tế của tỉnh, tạo tiền đề phát triển cao hơn trong thời gian tới, theo ông Vũ Ngọc Niên, đơn vị đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, điều hành hoạt động ngành Ngân hàng theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp theo chiều sâu gắn với triển khai các cơ chế chính sách, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm và có thế mạnh của tỉnh. Mặt khác, ngành chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 21-9-2017..., đảm bảo các Ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, ổn định và tăng tưởng.
Văn Thanh