Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Chỉ tính riêng trong tháng 8, doanh số cho vay của đơn vị đạt 69,139 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 31-8 đạt 1.984,6 tỷ đồng, tăng gần 25,8 tỷ đồng so với đầu tháng và tăng trên 215 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 88,6 % kế hoạch tăng trưởng. Đối với công tác thu hồi nợ, NHCSXH tỉnh chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn bám sát cơ sở để đôn đốc, tăng cường phối hợp các xã, phường, các tổ, nhóm vay vốn áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp, kết quả, đến cuối tháng 8 doanh số thu nợ của đơn vị đạt gần 448,4 tỷ đồng, góp phần hạ thấp tỷ lệ dư nợ quá hạn và nợ khoanh còn gần 25 tỷ đồng, giảm 21 triệu đồng so với đầu tháng, chiếm tỷ lệ 1,26% trên tổng dư nợ tín dụng.
Nhờ được vay nguồn vốn của NHCSXH để phát triển chăn nuôi và trồng trọt, năm 2017,
bà Ka-tơ Thị Be ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái (Ninh Phước) đã thoát nghèo.
Trong ảnh: Bà Ka-tơ Thị Be chăm sóc ruộng lúa.
Không chỉ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thu hồi nợ, việc huy động và quản lý nguồn vốn cũng được NHCSXH tỉnh triển khai đạt hiệu quả. Đến ngày 31-8, nguồn vốn huy động của đơn vị đạt gần 135,5 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với tháng trước, tăng 23,4 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 93,3% chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, huyện Ninh Phước tăng trên 1,83 tỷ đồng; huyện Ninh Hải tăng gần 1,6 tỷ đồng; Ninh Sơn tăng hơn 6,1 tỷ đồng; Hội sở tỉnh tăng gần 7,6 tỷ đồng; Thuận Bắc tăng hơn 2 tỷ đồng; Thuận Nam tăng trên 5,3 tỷ đồng và Bác Ái tăng hơn 2,1 tỷ đồng. Đối với huy động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt gần 55, 4 tỷ đồng, tăng 1,1 tỷ đồng so với đầu tháng. Riêng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương gần 35 tỷ đồng, tăng 150 triệu đồng so với tháng trước, tăng 2,85 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn từ ngân sách UBND tỉnh gần 33 tỷ đồng, vốn từ UBND huyện, thành phố chuyển sang 1,55 tỷ đồng, Tỉnh đoàn 400 triệu đồng, tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch đạt 93,4%.
Theo NHCSXH tỉnh, đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn Trung ương còn tồn chưa giải ngân 24 tỷ đồng. Trong số này, vốn chương trình giải quyết việc làm còn tồn 1,9 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo 772 triệu đồng; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 809 triệu đồng; chương trình cho vay vùng khó khăn 392 triệu đồng; chương trình phát triển nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg còn tồn 1, 5 tỷ đồng; chương trình nhà ở xã hội 10 tỷ đồng và cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 1,5 tỷ đồng. Riêng chương trình cho vay học sinh-sinh viên tiếp tục giảm 6,6 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn địa phương tồn chưa giải ngân trên 6,1 tỷ đồng, trong đó: chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo 772 triệu đồng; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 1,22 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 3,9 tỷ đồng và nguồn vốn của Tỉnh đoàn chuyển sang còn 200 triệu đồng.
Để kịp thời giải ngân hết nguồn vốn còn lại, NHCSXH tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để tập trung thực hiện. Trong đó, trọng tâm là phối hợp các đơn vị nhận ủy thác và các địa phương giải ngân nhanh chỉ tiêu tăng trưởng kế hoạch tín dụng năm 2018 đã được Tổng Giám đốc giao, nhất là cho vay nhà ở xã hội, nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gắn tăng trưởng tín dụng với nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hồ sơ cho vay; tập trung giải ngân chương trình tín dụng học sinh-sinh viên học kỳ I, năm học 2018-2019. Theo dõi và đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác đối chiếu, phân loại nợ, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn. Thực hiện kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên toàn chi nhánh; tập trung chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả phương án củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại các xã có nợ quá hạn từ 0,5% trở lên và các xã có chất lượng hoạt động thiếu ổn định. Quan tâm thực hiện kịp thời công tác xử lý nợ rủi ro theo quy định, tiếp tục chỉ đạo lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro đợt III-2018... Phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ thu lãi đạt trên 100%.
Văn Thanh