Nhìn lại công tác ứng phó với hạn hán từ đầu năm 2018 đến nay

(NTO) Ứng phó với hạn hán là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Năm nay, công tác ứng phó với hạn hán được đánh giá là có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Với quyết tâm đạt được 4 mục tiêu chính: “Không để dân thiếu nước sinh hoạt; không để dân thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc”, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1603/KH-UBND về ứng phó với hạn hán, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương triển khai các nhóm giải pháp ổn định đời sống dân sinh, duy trì hoạt động sản xuất, phòng, chống hoang mạc hóa, ngăn ngừa xâm nhập mặn. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó với hạn hán, trên tinh thẩn khẩn trương, ưu tiên cho những công việc cấp bách, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc, chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp bách ứng phó với hạn hán, nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, các công trình nước sinh hoạt thôn Gia Hoa, xã Ma Nới (Ninh Sơn); thôn Ma Lâm, xã Phước Thành (Bác Ái); thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) được đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân, cuộc sống của bà con vì thế không bị xáo trộn. Không dừng lại đó, công trình đường ống dẫn nước từ Trạm bơm Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) cũng sớm hoàn thành đúng theo kế hoạch. Về công tác chuyển đổi cây trồng, năm nay có chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững, các địa phương chú trọng hỗ trợ nông dân đưa những loại giống cây trồng dài ngày vào sản xuất. Theo báo cáo, vụ đông - xuân và hè - thu 2018, toàn tỉnh chuyển đổi gần 1.160 ha cây trồng cạn, qua đó đã tiết kiệm được lượng nước đáng kể và tạo thu nhập ổn định cho nông dân.

Ứng phó với hạn hán, ngành chức năng, các địa phương chú trọng thực hiện
tốt công tác điều tiết nước ở các hồ đập hợp lý.

Tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm 2018 cơ bản thuận lợi, nhưng khoảng thời gian từ tháng 7 đến đầu tháng 9 trời nắng nóng, “kịch bản” ứng phó với hạn hán xây dựng từ đầu năm phải điều chỉnh. Trước thực trạng lượng nước ở hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) giảm xuống đến mức bất lợi (12 triệu/50 triệu m3), thấp nhất với cùng kỳ nhiều năm, làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông Dinh. Để đảm bảo mực nước ở đập Lâm Cấm (+7,3m), từ ngày 28-8, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi đã thực hiện giải pháp tăng cường điều tiết nước bổ sung từ hệ thống đập Nha Trinh, thông qua các cống tiêu Liên Sơn thuộc kênh Nam và cống tiêu Suối Sa thuộc kênh Bắc. Tổng lượng nước bổ sung tính đến ngày 2-9 đạt 1,4 triệu m3 và vẫn tiếp tục duy trì nhằm cung cấp cho Nhà máy nước Tháp Chàm với công suất 7.000 m3/ngày-đêm. Đối với khu vực hưởng lợi hồ Đơn Dương, đơn vị đã tổ chức điều tiết nước từ hồ Sông Sắt (Bác Ái) bổ sung cho hệ thống đập Nha Trinh - Lâm Cấm, với tổng lượng nước 3,47 triệu m3.

Thời tiết gần đây chuyển biến theo chiều hướng tích cực, từ giữa tháng 9 đến nay trời có mưa, lượng nước ở 21 hồ chứa và hồ Đơn Dương được cải thiện đáng kể (hồ Đơn Dương đạt trên 30 triệu m3), kế hoạch ứng phó với hạn hán kịp thời được điều chỉnh theo hướng chỉ ưu tiên sản xuất vụ mùa tại các lưu vực tưới của hệ thống đập Sông Pha và vùng đầu kênh của hệ thống đập Nha Trinh - Lâm Cấm. Các hệ thống thủy lợi khác ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ứng phó với hạn hán do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 13-9 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo: Mặc dù có mưa, nhưng không được lơ là, chủ quan, bởi theo dự báo của đài khí tượng thủy văn thời gian tới tiếp tục có nắng nóng. Do đó, từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo nông dân sản xuất vụ mùa đúng theo lịch thời vụ, không khuyến khích mở rộng diện tích trồng lúa để tiết kiệm nước, xây dựng kế hoạch dự trữ nước ở các hồ, đập để phục vụ sản xuất cho vụ đông - xuân 2018-2019.