“Kịch bản” sản xuất vụ mùa đã được “chốt” lại, theo đó khu vực trồng lúa tập trung chủ yếu tại các lưu vực tưới của hệ thống đập Sông Pha và vùng đầu kênh của đập Nha Trinh - Lâm Cấm, với tổng diện tích 17.717 ha; trong đó, lúa 10.445 ha, màu 7.272 ha. Cụ thể, huyện Ninh Sơn sử dụng nước từ kênh Tây, kênh Đông, Trạm bơm Phước Hòa gieo trồng 3.646,6 ha, trong đó lúa 1.844 ha, diện tích còn lại là cây màu; huyện Ninh Phước sử dụng nước từ kênh Nam gieo trồng 7.155 ha, trong đó lúa 4.179 ha; huyện Ninh Hải sử dụng nước kênh Bắc gieo trồng 2.290 ha, trong đó lúa 1.990 ha; huyện Thuận Bắc sử dụng nước kênh Bắc gieo trồng 678 ha, trong đó lúa 660 ha; huyện Bác Ái sử dụng nước từ hồ Sông Sắt và hồ Trà Co gieo trồng 2.498,7 ha, trong đó lúa 774 ha; Tp. Phan Rang - Tháp chàm lấy nước từ kênh Bắc gieo trồng 1.447 ha, trong đó lúa 1.000 ha. Riêng huyện Thuận Nam dừng sản xuất, nước ở các hồ, đập trên địa bàn ưu tiên cho sinh hoạt và chăn nuôi.
Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) cày đất chuẩn bị xuống giống lúa vụ mùa.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ngành chức năng, các địa phương xây dựng được kế hoạch sản xuất ứng phó với hạn hán là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện công tác điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của tỉnh có sự chủ động linh hoạt và tạo được chuyển biến tích cực. Hiện ngành chức năng, các địa phương đang tập trung vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, chậm nhất kết thúc gieo sạ vào ngày 10 – 10. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hạn chế của nông dân trong sản xuất vụ mùa là bà con thường xuống giống thiếu đồng loạt, do thời tiết mưa nắng thất thường. Vụ cùng kỳ năm ngoái đến cuối tháng 10 vẫn có hộ tự phát gieo sạ ở những khu vực không nằm trong kế hoạch gieo trồng, kéo theo sản xuất vụ đông - xuân 2018 bị trể. Khắc phục tình trạng, năm nay, các địa phương chỉ đạo nông dân thu hoạch vụ hè - thu đến đâu thì tiến hành cảy ải đến đó, chủ động làm đất để khi có mưa là bước vào vụ mới ngay. Chính vì vậy, công tác xuống giống vụ mùa 2018 được triển khai nhanh, tính đến ngày 24 - 9, toàn tỉnh đã gieo trồng được 4.431 ha lúa. Để tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát tirển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi điều tiết nước cân đối; đồng thời, đề nghị các đơn vị sản xuất giống cây trồng cung cấp cho nông dân các loại giống xác nhận, có năng suất và khả năng kháng sâu bệnh cao.
Tỉnh thần chỉ đạo chung của UBND tỉnh trong sản xuất vụ mùa 2018 là không khuyến khích mở rộng diện tích lúa để tiết kiệm nước tưới; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây chịu hạn để tạo thu nhập ổn định cho nông dân, vừa tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Tiếp sức cho bà con vượt qua khó khăn sản xuất vụ mùa có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây trồng cạn, hỗ trợ các hộ nhân rộng một số mô hình có hiệu quả. Ở huyện Thuận Bắc, bên cạnh duy trì mô hình chuyển đổi trồng thâm canh bắp vụ hè - thu 2018 trên đất lúa kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao, điểm mới ở vụ này là huyện tập trung vận động nông dân áp dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, phun mưa trên quy mô lớn để giảm công lao động, tiết kiệm nước tưới. Không riêng gì Thuận Bắc, một số nơi khác cũng có những cách làm sáng tạo, biến bất lợi thành có lợi. Tại huyện Ninh Sơn, nông dân thị trấn Tân Sơn, xã Lương Sơn khắc phục khó khăn bằng cách thâm canh cây dưa leo trên đất lúa để nâng cao giá trị đơn vị sản xuất.
Bước vào vụ mùa có những khó khăn nhất định, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc giúp nông dân sản xuất ứng phó với hạn hán, tin tưởng cuối vụ sẽ thu được nhiều thắng lợi.
Anh Tùng