Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, lượng xe buýt ngày càng giảm và xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại của nhân dân, nhất là đối tượng học sinh.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay với số phương tiện còn lại của Công ty Lộc Phát chỉ còn 16 xe so với trước đây là 24 xe, số xe này đã cũ và xuống cấp nên không đảm bảo được tần suất hoạt động, chất lượng phục vụ kém, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn; cũng như chưa được hưởng ưu đãi hỗ trợ về lãi suất vay vốn khuyến khích đầu tư phương tiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 5-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trước đây, tỉnh có hỗ trợ giá vé cho học sinh khi sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nhưng từ năm 2013 đến nay tỉnh không còn nguồn kinh phí để hỗ trợ cho khoản này nữa.
Xe buýt Lộc Phát hiện chỉ còn 16 xe đã cũ và xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Từ thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát lại hệ thống hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt. Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã đồng ý phê duyệt hành trình, điểm dừng xe buýt các tuyến đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, phù hợp với mạng lưới giao thông, kết nối khu dân cư, khu công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia cùng với Công ty Lộc Phát đầu tư khai thác các tuyến xe buýt đang hoạt động đã được tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên đến nay chưa có nhà đầu tư nào tham gia, mà chủ yếu chỉ mang tính chất thăm dò, khảo sát.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái-Sở Giao thông vận tải, cho biết: Hiện nay đã có một số nhà đầu tư ngoài tỉnh như Công ty Cổ phần Thắng Lợi (Khánh Hòa) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đi Phan Rang nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để đi vào hoạt động. Đối với nhà đầu tư trong tỉnh có Công ty TNHH Ponorama An Đông, Công ty Taxi Quốc tế cũng đã lập kế hoạch dự án đầu tư, đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định, nhưng vẫn chưa triển khai hoạt động. Nguyên nhân do quá trình tìm hiểu nhà đầu tư nhận thấy tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ về đất, tiếp cận vốn vay ưu đãi, chưa có phương án khả thi và hiệu quả kinh tế trong đầu tư.
Để phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đảm bảo đồng bộ giữa mạng lưới giao thông của tỉnh mang tính kết nối, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, việc xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là rất cần thiết mang tính phát triển bền vững. Vì vậy trong thời gian tới nhằm triển khai thu hút đầu tư vận tải xe buýt, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự thảo Quyết định về việc ban hành quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích về đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện. Đồng thời lập điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển ngành giao thông đến năm 2020 gắn với quy hoạch phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia đầu tư vào hoạt động vận tải xe buýt trên địa bàn theo hướng xã hội hóa; phối hợp cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hợp lý và bền vững.
Mai Phương