Đến với vùng Dốc Đất (xã Phước Vinh) hôm nay, ngoài những rẫy bắp, đậu các loại đã xuất hiện thêm những rẫy điều, vườn mãng cầu, bưởi… Đó là sản phẩm qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây truyền thống thành các loại cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày. Đó cũng là thành quả nỗ lực của BQL Tân Giang trong việc vận động các thành viên tổ 1, tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh) trích 60% kinh phí nhận giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-PC của Chính phủ để thực hiện mô hình nước tự chảy dẫn nước từ suối về phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Mô hình được triển khai và hoàn thành vào đầu năm 2018, với tổng chiều dài hơn 1,5 km đã giúp cho 60 hộ dân đang canh tác ở vùng Dốc Đất có nước để sinh hoạt và tưới tiêu cho khoảng 100 ha rẫy thiếu nước. Anh Mang Dúi, thành viên tổ 1, Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Liên Sơn 2, cho biết: Mình có hơn 2 ha đất rẫy, ngày trước chỉ chờ mưa xuống trồng bắp, những ngày nắng hạn không có nước thì bỏ hoang. Đầu năm 2017, được cán bộ BQL Tân Giang tuyên truyền, hướng dẫn, mình trồng thử nghiệm hơn 150 cây ăn trái các loại như mãng cầu, bưởi, mít. Ban đầu cây phát triển tốt nhưng gặp mùa hạn thì lại không vươn lên nổi, rất chậm lớn. Đầu năm 2018, có đường ống dẫn nước về, gia đình chỉ đầu tư thêm ống nhựa nối vào là có nước để tưới tiêu. Ngày nắng hạn nước không nhiều nhưng các hộ canh tác ở đây biết phân chia thời gian lấy nước hợp lý nên vẫn đủ nước để duy trì sản xuất. Mình cũng không còn lo cảnh ngược suối, ngược dốc cõng nước về sinh hoạt hay dự trữ cho gia súc.
Chị Mang Thị Cam ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước)
sử dụng nguồn nước tự chảy để tưới cho vườn điều.
Ông Lê Minh Hiền, Trưởng BQL Tân Giang cho biết: Từ kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án, đơn vị đã thành lập 14 tổ cộng đồng bảo vệ rừng, với 250 thành viên và triển khai 2 mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ rừng. Theo đó, năm 2016, từ kinh phí hỗ trợ của Dự án JICA 2, BQL Tân Giang đã thành lập 5 tổ cộng đồng bảo vệ rừng, với 100 thành viên ở xã Phước Hà. Cuối năm 2017, theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP, thành lập 9 tổ cộng đồng bảo vệ rừng, với 150 thành viên ở các xã Phước Hà, Phước Thái và Phước Vinh. Từ ngày đầu thành lập, Ban đã vận động các tổ viên trích lại 60% kinh phí nhận được để cùng nhau góp vốn đầu tư phát triển kinh tế. Khi có sự thống nhất cao của các thành viên trong các tổ, Ban đã cùng với họ bàn bạc, tìm hướng đi phù hợp với nhu cầu của gia đình cũng như điều kiện thực tế của địa phương.
Hiện nay, ngoài mô hình nước tự chảy thực hiện cho các thành viên tổ 1, Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Liên Sơn 2, ở 13 tổ còn lại, Ban triển khai mô hình mua bò cho tổ viên chăn nuôi sinh sản. Tương tự mô hình nước tự chảy, thực hiện mô hình này, các tổ sau khi nhận tiền thanh toán sẽ trích lại 60% để mua bò và bốc thăm để nhận bò. Khi tất cả các thành viên đã nhận được bò thì lại bắt đầu một chu kỳ mới. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, 100 thành viên thuộc dự án JICA2 đã nhận 126 con bò cái. Đến nay 4 con trong số đó đã sinh sản, 64 con đang cấn chửa; 16/150 thành viên thuộc chương trình Nghị định 75/2015/NĐ-CP đã được nhận bò. Qua đó, giúp người dân có điều kiện phát triển sinh kế bền vững. Anh Bà Ra Lách và Bà Râu Tín, ở thôn Giá, xã Phước Hà cho biết: Tham gia vào tổ bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP, hai anh may mắn là những thành viên đầu tiên nhận được bò. Hy vọng bò sẽ sinh trưởng, sinh sản tốt để tiếp tục nhân đàn ổn định đời sống và yên tâm thực hiện công tác bảo vệ rừng.
Ông Lê Minh Hiền cho biết thêm: Các mô hình tạo sinh kế cho người dân được đơn vị triển khai một cách hợp lý, mang tính bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và nhận được đánh giá tích cực từ chính quyền địa phương. Người dân khi tham gia các tổ bảo vệ rừng thuộc các dự án vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo vừa góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, duy trì lực lượng tại chỗ khi có sự việc xảy ra để cùng với chính quyền địa phương và đơn vị bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn, duy trì, phát huy bền vững tính năng phòng hộ của rừng.
Ngọc Diệp