Tại các buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, Christine Lagarde; Quốc vụ khanh Ngoại thương Pháp J.H.Lellouche; và Quốc vụ khanh, phụ trách y tế Pháp Nora Berra, phía Pháp cho biết luôn quan tâm đến vấn đề hợp tác và đầu tư tại Việt Nam. Pháp hiện đứng thứ hai thế giới về viện trợ song phương cho Việt Nam, sau Nhật Bản và là mước viện trợ lớn nhất trong Liên minh Châu Âu. Đặc biệt, Pháp là nước viện trợ liên tục cho Việt Nam suốt từ năm 1990 và ngày càng được tăng lên. Viện trợ của Pháp đã có hiệu quả lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam
Tp. Hồ Chí Minh- trung tâm phát triển kinh tế của cả nước
Về lĩnh vực đầu tư, Pháp đầu tư vào Việt Nam chưa phải là lớn, với tổng số vốn cam kết khoảng gần ba tỷ đô-la và tập trung vào một số lĩnh vực như viễn thông, công nghiệp chế biến, dầu khí và điện năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Pháp luôn quan tâm đến chiến lược phát triển sắp tới của việt Nam, đặc biệt chương trình phát triển 2011 - 2015, cũng như chiến lược phát triển 10 năm, 2011-2020.
Trong các cuộc tiếp xúc, phía Pháp quan tâm đặc đến ba khâu đột phá của Việt Nam, đó là xây dựng thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Pháp là nước có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực phát triển cơ cấu hạ tầng, vì vậy họ cho rằng đây là cơ hội lớn để có thể tham gia đầu tư trong lĩnh vực này.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp diễn ra ngày 18-2 tại Paris với sự tham gia của đại diện Medef gồm các chủ doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn của các tổng công ty và tập đoàn hàng đầu của Pháp, hai bên trao đổi thẳng thắn về khả năng đầu tư và về những điểm đang còn mắc mớ trong chính sách đầu tư của Việt Nam, như mô hình đầu tư mới vừa được Thủ tướng chính phủ ban hành, đó là mô hình công tư liên hợp.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, với mô hình đầu tư này có thể huy động được một nguồn vốn rất lớn của tư nhân và của chính phủ trong đó có chính phủ Pháp, chính phủ các nước khác và các tổ chức tài chính quốc tế đang tài trợ cho Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng. Pháp cũng quan tâm đến các dự án phát triển năng lượng điện như các dự án của Tập đoàn điện lực EDF và các dự án về phát triển quy hoach đô thị. Hiện nay họ đang hợp tác với thủ đô Hà Nội và tới đây sẽ xúc tiến làm với TP Hồ Chí Minh và với những đô thị khác ở Việt Nam. Họ cũng quan tâm đến vấn đề xây dựng cảng biển và xây dựng cảng hàng không.
Về hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp cũng như ảnh hưởng của hai nước đối với hai khu vực châu Á và Liên minh Châu Âu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết Việt Nam và Pháp đang hướng tới xây dựng mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược. Hiện nay, giới chính khách và doanh nghiệp Pháp rất quan tâm và hy vọng vào sự hợp tác song phương này trong tương lai. Pháp luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò Việt Nam và ở Đông Nam Á.
Việt Nam cũng luôn nhấn mạnh đến vai trò của Pháp trong Liên minh Châu Âu. Việt Nam đang tiến hành chương trình hợp tác ASEM tức là hợp tác giữa liên minh Châu Âu với châu Á, với Đông Á, Nam Á trong đó Pháp và việt Nam là hai trụ cột và hai nòng cốt để tạo ra cơ sở hợp tác ASEM. Khi đó vị thế của Pháp và của Việt Nam sẽ phát huy ảnh hưởng trong mỗi khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên kết hợp đồng cho dự án 'Quan sát tàu đánh bắt cá qua vệ tinh”. Dự án có trị giá khoảng 13,9 triệu Euro được thực hiện trong ba năm (2011-2014), bằng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Pháp. Theo đó, khoảng 3.000 tàu cỡ lớn đánh bắt cá xa bờ của Việt Nam sẽ được lắp đặt thiết bị vệ tinh để nhận thông tin dự báo về thời tiết khi đánh bắt cá trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc có buổi nói chuyện với các đảng viên thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và lưu học sinh Việt Nam tại Pháp về kết quả Đại hội XI của Đảng.
Theo ND online