Ảnh hưởng biến đổi khí hậu đối với Ninh Thuận

(NTO) Ninh Thuận có hai mùa: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau, nhưng do vị trí địa lý khá đặc biệt nên Ninh Thuận vẫn là tỉnh khô hạn. Đồi núi Ninh Thuận chiếm 63% diện tích, đồi gò bán sơn địa 14,4%, đồng bằng ven biển chiếm 22,4% .

Vì núi bao quanh đồng bằng đều khá cao, phía Bắc có những ngọn núi cao tới 1.113m, phía Nam có núi cao tới 1.650m và phía Tây là cao nguyên Lâm Đồng với dãy núi cao tới 1.978m nên Ninh Thuận có một địa hình như một bức thành thiên vòng cung bằng núi cao, chỉ có một cửa ra biển. Do những những dãy núi cao bao quanh đã trở thành những bức bình phong chắn những luồng gió mùa Đông, Bắc và Tây –Nam mang mây và mưa tới Ninh Thuận, vì vậy vùng trời Ninh Thuận luôn trong xanh, nắng chói chang và có lượng mưa thấp nhất toàn quốc.

 

Khắc phục tình trạng khô hạn, nông dân xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng hệ thống
tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.M

Trong những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu toàn cầu được nhiều nhà khoa học coi là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Nước ta những năm gần đây biến đổi khí hậu gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan như thời tiết giá lạnh đầu năm 2016, có băng giá và tuyết xuất hiện ở các vùng phía Bắc. Nắng nóng, hạn hán kỷ lục, mưa lũ liên tục ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Ninh Thuận cũng đã chịu ảnh hưởng trực tiếp đến biến đối khí hậu có thể nói là ngày càng gia tăng. Năm 2004-2005 Ninh Thuận xảy ra hạn lịch sử, gần như 7 đến 8 tháng có vùng không có mưa; năm 2014-2016 hạn chồng lên hạn làm ảnh hưởng không ít đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc của người dân nhưng cũng chính năm 2016 những đợt mưa lớn vào cuối năm đã gây thiệt hại nặng cho người sản xuất nông nghiệp.

Nhưng sự thay đổi khí hậu có nguyên nhân chủ quan do sự tác động của con người, xuất phát từ sự thay đổi mục đích sử dụng đất và nguồn nước, sự gia tăng lượng phát thải khí CO2, chặt phá rừng… đây được coi là hiệu ứng nhà kính nhân tạo và làm cho bầu khí quyển ngày càng nóng lên, sự biến đổi hoạt động của mặt trời, quỹ đạo trái đất, của các dạng hải lưu và sự luân chuyển trong nội bộ hệ thống khí quyển… dẫn đến khí hậu bất thường và ngày càng khắc nghiệt. Đến tháng 12 năm 2017 cả nước phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ mưa, bão, ngập lụt, sạt lở… tổng thiệt hại về kinh tế trên 60.000 tỷ đồng (số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Bộ NN&PTNT). Nhiều số liệu quan trắc thực tế cho thấy diễn biến nhanh chóng, bất thường của khí hậu đối với khu vực Nam Trung Bộ, nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng 0,030C/thập kỷ; lượng mưa có xu thế tăng 38mm/thập kỷ.

Với đặc điểm địa lý NinhThuận như một lòng chảo, khí hậu khô hanh và nóng, có người đã nói rằng “lõm khí hậu đặc sắc”, và chính vùng khí hậu đặc thù, khu biệt với các vùng khác ở Việt Nam, Ninh Thuận đã tạo ra những sản phẩm đặc biệt đến với người tiêu dùng như nho, tỏi, táo, cừu, dê, bò…

Ứng phó với biến đổi khí hậu, các cấp chính quyền cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoạch định chiến lược dài hạn, có sự đầu tư xây dựng và nhiều nhóm giải pháp theo từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu là một bài toán thật sự nan giải, đòi hỏi phải có thời gian.