Đến xã Lâm Sơn vào ngày nghỉ cuối tuần trong đầu tháng Tám, chúng tôi hòa mình với hàng trăm du khách nối tiếp nhau bằng nhiều loại phương tiện chạy bon bon trên các con đường được bê tông rộng rãi, đã được chỉ dẫn bằng những tấm bảng đưa đến tận các vườn cây ăn quả để tận hưởng không khí mát mẻ được thiên nhiên ban tặng riêng. Lâm Sơn là vùng đất cuối địa giới hành chính tỉnh về phía Tây có độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, được mệnh danh là “miền Tây” thu nhỏ của Ninh Thuận.
Năm 1990, anh Phan Hữu Thành, ở xóm 4, thôn Lâm Bình (xã Lâm Sơn) bỏ nghề phụ xe vận tải chạy đường dài rồi vào miền Tây mua giống về trồng trên 9 sào đất vườn của gia đình. Đến nay, anh đã mở rộng lên 2,3 ha, với 120 cây măng cụt, 90 cây sầu riêng, 100 cây bưởi da xanh và 60 cây chôm chôm. Anh Thành cho biết, từ năm 2014, tôi bắt đầu đón khách đến tham quan mô hình du lịch vườn sinh thái, đậm chất miền Tây. Khi đến đây, du khách không chỉ hòa mình vào không khí trong lành, mát mẻ mà còn được tự tay hái trái cây và thưởng thức các các món đặc sản như: gà nướng sầu riêng, gà nấu chôm chôm… ngay tại vườn. Kết thúc mùa vụ, tôi thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Vườn trái cây Lâm Sơn hấp dẫn được các bạn nhỏ đến vui chơi và tự tay hái chôm chôm.
Lý giải vì sao vườn cây của anh luôn thu hút đông du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng… anh nói: Tôi không thu tiền du khách khi vào tham quan như các chủ vườn khác. Nếu thu khoản tiền này, coi như đã chấp nhận cho du khách thoải mái hái quả để thưởng thức. Bằng cách “ăn xổi”, mỗi ngày, các chủ vườn có thể thu vài triệu đồng, nhưng đổi lại là tình trạng du khách vô tư hái cả quả chưa chín hoặc leo trèo làm gãy nhiều nhánh cây đang trĩu quả, cho nên có nhiều vườn cây bị hư hại chỉ sau vài tuần, mất khả năng thu hút khách tham quan tiếp theo. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Xíu, một du khách đến từ Tp. Nha Trang (Khánh Hòa) vui vẻ: Đây không phải lần đầu tiên mình đến với vườn cây ăn trái Lâm Sơn, mà đây là lần thứ 4 đã đến. Ở đây không khí mát mẻ, thức ăn ngon, giá cả phù hợp nên mình đã giới thiệu nhiều bạn bè trong và ngoài nước đến tham quan. Còn gia đình chị Trần Ngọc Kiều, du khách Việt kiều Pháp cho hay: Trở lại Việt Nam lần này, nhưng mình không tin vào mắt, tại một vùng đất thường khô hạn nhất nước như Ninh Thuận lại có miệt vườn trái cây ở Lâm Sơn như các tỉnh miền Tây. Các loại trái cây ở đây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… được gia đình thưởng thức nhiều và rất ngon. Hơn nữa chủ vườn rất nhiệt tình và mến khách, đó là ấn tượng làm cho chúng tôi luôn nghĩ đến khi mỗi lần về Việt Nam du lịch.
Lâm Sơn có hơn 800 ha vườn trồng các loại cây ăn quả, trong đó, có trên 250 ha trồng các loại cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm hơn 20 năm tuổi. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, xã Lâm Sơn có thêm 210 hộ chuyển đổi 236 ha trồng bắp, lúa sang trồng cây ăn quả được 7 năm tuổi, đang mang lại thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa, bắp. Hiện nay, địa phương tập trung hỗ trợ cho 12 hộ gia đình tại thôn Lâm Bình, với diện tích khoảng 15 ha để phát triển du lịch vườn sinh thái.
Ông Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cho biết: Mùa trái cây năm nay, vườn trái cây sinh thái tại thôn Lâm Bình và khu vực Nam Sakai, lượng khách đến tham quan vượt trên con số 4.000 lượt người, trong đó có nhiều khách trong và ngoài tỉnh. Các hộ kinh doanh vườn rất phấn khởi, đời sống kinh tế của bà con được nâng lên đáng kể. Trong thời gian tới, Lâm Sơn sẽ mở rộng diện tích vườn trái cây tại các thôn Lâm Bình, Lâm Hòa, Lâm Phú... đến năm 2020 với diện tích 400 ha. Hiện nay, thương hiệu trái cây Lâm Sơn đã được công nhận và chỉ dẫn địa lý, các điểm du lịch vườn trái cây đang được địa phương tích cực tuyên truyền; tiếp tục xây dựng các tuyến giao thông liên thôn để hoạt động du lịch vườn phát triển theo hướng an toàn, bền vững, giúp nông dân vươn lên làm giàu.
Phan Hiếu