Ông Diệp Bảo Thu sản xuất măng tây xanh trắng để nâng cao giá trị của sản phẩm cây trồng.
Trên vùng đất cát hoang hóa của xã An Hải trước đây, bà con đã trồng nhiều loại cây trồng khác, như: đậu phộng, hành tím, cải trắng, nhưng đến nay, bà con xác định cây đặc thù và chủ lực chính là măng tây xanh cho nên đã mạnh dạn đầu tư bằng cách tự đào giếng rồi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và sản xuất rất hiệu quả, qua đó ngày càng nhân rộng diện tích. Mỗi sào măng tây xanh của nông dân ở thôn Tuấn Tú cho thu hoạch bình quân 10kg/ngày, thu nhập khoảng 600 nghìn đồng/ngày, nhờ vậy cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Cách đây 8 năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây măng tây xanh vào trồng thí điểm trên vùng đất cát tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước). Thời điểm đó, ông Hùng Ky-giờ là Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú tiên phong trồng thử nghiệm 4 sào. Sau 8 tháng, măng tây xanh bắt đầu thu hoạch đều đặn mỗi ngày khoảng 5 kg/sào. Từ năm thứ hai, năng suất liên tục nâng cao, bình quân thu hoạch mỗi ngày từ 8-10kg/sào. Sản phẩm được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đến thu mua tận vườn với giá từ 55 đến 60 nghìn đồng/kg (loại 1) và từ 35-40 nghìn đồng/kg (loại 2).
Đứng giữa diện tích 2,4 ha, với những giống măng tây mới như Atticus F1 (xuất xứ từ Hà Lan) với hệ thống nước tưới phun mưa tiết kiệm được đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ông Hùng Ky chia sẻ: Vào thời điểm trời nắng gắt, chưa thu hoạch được thì chúng tôi giữ lại cây mẹ có chiều cao hơn 1m để tạo bóng mát cho cây con phát triển, đợi đến khi thời tiết thuận lợi mới tiếp tục thu hoạch. Việc chăm sóc cây măng tây xanh không vất vả như những loại cây trồng khác, nhất là không cần phải phun thuốc trừ sâu, mà chỉ dưỡng cây sau mỗi vụ thu hoạch (3 tháng). Hiệu quả của loại cây trồng này trên vùng đất cát động đã cho gia đình thu nhập ổn định, bình quân hơn 400 triệu đồng/năm và đưa cuộc sống trở nên sung túc, đầy đủ tiện nghi.
Anh Hồ Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết: Toàn xã nhân rộng diện tích hơn 40 ha măng tây xanh, phấn đấu đến năm 2020 tăng lên 100 ha trồng theo hướng sản xuất công nghệ cao. Trong năm 2017, Quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh vừa cho 16 hộ của nhóm liên kết trồng măng tây xanh thôn Tuấn Tú vay 320 triệu đồng (20 triệu đồng/hộ), thời hạn 12 tháng, với lãi suất 0,7%/tháng, giúp bà con có điều kiện đầu tư. Giờ, cây măng tây xanh đã khẳng định vị thế giá trị hàng hóa “nhất bảng” trong danh mục các loại cây hoa màu ở An Hải.
Từ An Hải, ngược về Xuân Hải (Ninh Hải), những vùng đất nơi đây cũng phủ màu xanh mới của măng tây. Ở thôn An Xuân 3, xã Xuân Hải (Ninh Hải), ông Diệp Bảo Thu là một trong số ít hộ ở đây sản xuất ra được sản phẩm măng tây xanh trắng, với giá bán khoảng 85 ngàn đồng/kg. Trước đây, gia đình ông có hơn 2 sào trồng nho xanh, tuy nhiên khi vườn nho gặp thời tiết bất lợi, thì thường bị thất thu và đời sống trở nên khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Thu phấn khởi: Đầu năm 2017, qua tìm hiểu một số mô hình trồng măng tây xanh trên địa bàn tỉnh, thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định chuyển đổi sang trồng cây măng tây xanh. Đến nay, với 2 sào măng tây xanh mỗi ngày, thu hoạch từ 18-22 kg, với giá bán dao động từ 50-85 ngàn đồng/kg (tùy chất lượng từng loại), sau khi trừ chi phí gia đình tôi lãi hơn 1 triệu đồng/ngày.
Ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho hay: Thời gian qua, cây măng tây xanh đã đem lại lợi nhuận đáng kể cho các hộ dân. So với cây hoa màu, cây măng tây xanh mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5-7 lần. Qua hơn một năm nhân rộng các mô hình trồng măng tây xanh, hiện nay diện tích tăng từ 16,8 ha lên 21,5 ha, với 110 hộ trồng. Trên thị trường hiện nay, măng tây xanh đang hút hàng. Thời gian tới, xã sẽ tập trung quy hoạch thành vùng sản xuất măng tây xanh chất lượng cao. Ngoài ra, xã tiếp tục hỗ trợ, vận động các hộ có hướng chuyển đổi cây trồng ở vùng ruộng, gò sản xuất kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, mỗi ha trồng măng tây xanh, đầu tư ban đầu khoảng 30-40 triệu đồng để mua cây giống. Cây măng tây xanh cho thu hoạch 3 tháng mỗi vụ, sau mỗi vụ cho cây nghỉ dưỡng một tháng và cứ thế thu hoạch liên tục trong thời gian gần 10 năm. Nông dân thu lãi từ 400- 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp ba, bốn lần so với cây rau màu khác trên cùng diện tích. Từ giá trị và hiệu quả kinh tế cao của cây măng tây xanh mang lại, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung quy hoạch, phát triển các dự án trồng măng tây xanh công nghệ cao trên diện tích 200 ha tại xã An Hải (Ninh Phước) và xã Phước Tiến (Bác Ái). Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển các hợp tác xã thu mua, tổ hợp tác sản xuất măng tây xanh chất lượng cao, dự báo nhu cầu thị trường, liên kết với công ty, hợp tác xã đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định cho nông dân.
Phan Hiếu