Qua thống kê, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện hiện là 117.637con gia súc; trong đó, đàn trâu, bò 19.225 con; dê, cừu 96.333 con và đàn heo 2.049 con. Để giúp nông dân chăn nuôi có hiệu quả, công tác tiêm phòng được huyện triển khai sâu rộng đến tất cả các xã và từng hộ nuôi trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay, huyện đã hoàn thành tiêm phòng vắc-xin đợt I-2018 cho đàn gia súc trên địa bàn; trong đó, tiêm tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò 6.430 con, dê, cừu 9.470 con; tiêm tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn cho 1.210 con heo, đạt 52,6% kế hoạch. Cùng với việc tiêm phòng, huyện còn tiếp nhận hóa chất Benkocid từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y với số lượng 1.200 lít, phân bổ cho các xã triển khai công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh.
Nông dân xã Phước Nam phát triển chăn nuôi gia súc gắn với kiểm soát dịch bệnh.
Ở các xã Phước Nam, Phước Ninh… nơi có tổng đàn gia súc lớn, trong những năm gần đây, ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc của người dân có những chuyển biến tích cực, công tác tiêm phòng được chú trọng, nên tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Anh Bá Trung Tâm, thôn Văn Lâm 3 (xã Phước Nam), chia sẻ: Trong điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, khả năng xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc rất cao, để ngăn ngừa, gia đình chủ động mua vắc-xin về tiêm cho tất cả đàn bò và cừu, nhờ đó vật nuôi phát triển tốt và chưa xảy ra dịch bệnh. Ngoài các hộ nuôi tập trung, quy mô đàn lớn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chủ động tiêm phòng vắc-xin, khử trùng chuồng trại. Điển hình như xã Phước Hà hiện có gần 4.000 con gia súc; trong đó, đàn trâu, bò trên 2.000 con; dê, cừu gần 1.800 con; heo 250 con. Để công tác tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc đạt hiệu quả cao, xã đã chỉ đạo cán bộ phụ trách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động xây dựng kế hoạch tiêm phòng hợp lý. Nhờ vậy, ý thức của người chăn nuôi trong vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh được nâng lên rõ rệt.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù công tác tiêm phòng đạt được kết quả nhất định, hiện chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc. Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương, khó khăn hiện nay của huyện là tình hình thời tiết diễn biến thất thường, dễ phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, nguồn vắc-xin của Trung ương chỉ hỗ trợ cho xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang như xã Phước Hà, Phước Dinh, nên không đáp ứng đủ số lượng tiêm cho tổng đàn gia súc trên địa bàn; ý thức tự giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh của một số hộ dân chưa cao.
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, theo ông Trượng Ngọc, Trưởng trạm Thú y huyện Thuận Nam, thời gian tới, đơn vị tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm phòng bắt buộc trên đàn gia súc, thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi; đồng thời, có biện pháp kiểm soát dịch bệnh khi mới nhập đàn; xây dựng đội ngũ thú ý cơ sở đảm bảo về chất lượng, số lượng đáp ứng tốt công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện.
Hồng Lâm