Trao đổi với đồng chí Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, chúng tôi được biết mô hình “1 phải, 5 giảm” được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND huyện Ninh Phước triển khai thực hiện thí điểm liên tục trong hai vụ lúa, từ vụ đông-xuân 2010-2011 đến vụ lúa hè-thu 2011 tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu). HTX chọn 32 hộ tham gia thực hiện thí điểm mô hình với diện tích 10 ha vùng ruộng liên canh, có điều kiện canh tác thuận lợi cho việc thực hiện mô hình. Chi cục cử cán bộ hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm”, bám đồng, lội ruộng cùng bà con đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác lúa nước theo truyền thống. Để nông dân an tâm thực hiện biện pháp sạ thưa, xử lý hạt giống, không dùng thuốc trừ sâu sớm, tưới tiêu nước theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, Chi cục đã hỗ trợ 100% lượng giống cấp xác nhận và 30% vật tư gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo định mức; cung cấp bảng so màu lá lúa để nông dân đối chiếu áp dụng bón phân đạm hợp lý. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân các biện pháp canh tác “1 phải” là phải đưa giống lúa xác nhận vào canh tác đạt tiêu chuẩn về độ thuần, độ sạch, tỷ lệ nẩy mầm cao, kháng sâu bệnh hại, ít đổ ngã. Biện pháp “5 giảm” là giảm giống từ gieo dày theo tập quán cũ từ 30-35 kg/sào giảm xuống còn 15-20 kg/sào; giảm lượng phân bón, hướng dẫn quy trình bón phân cân đối và hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa để tránh dư thừa lượng đạm, giảm chi phí sản xuất; giảm lượng thuốc BVTV, hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu từ 1-40 ngày sau sạ, hạn chế phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh theo tập quán; giảm lượng nước tưới, xác định mực nước thích hợp cho việc ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên lúa, giảm chi phí bơm nước; giảm thất thoát sau thu hoạch, dùng máy gặt đập liên hợp thu hoạch đúng độ chín. Phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy qua hai vụ áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào canh tác lúa tại cánh đồng Trường Thọ năng suất tăng hơn 1 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm 8-10 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng sản xuất theo tập quán của nông dân. Đồng thời, giảm số lần phun thuốc BTVT góp phần bảo vệ môi trường sống an toàn và nâng cao chất lượng hạt lúa hàng hóa. Qua tổ chức hội nghị đầu bờ đã đưa mô hình canh tác “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa lan tỏa đến 9/9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tính đến vụ hè-thu 2018, nông dân toàn huyện gieo trồng 4.346 ha lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Nam. Trong đó, nông dân áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” với diện tích 1.843 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Phước Thái 510 ha, Phước Hậu 500 ha, Phước Hữu 200 ha, Phước Thuận 200 ha và Phước Dân 100 ha. Trong đó, có 805 ha lúa vụ hè-thu thực hiện cánh đồng lớn gắn với biện pháp canh tác theo mô hình “1 phải, 5 giảm”.
Nông dân thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm”
trên cây lúa đạt năng suất, chất lượng cao.
Đến với các cánh đồng lớn của huyện Ninh Phước, cây lúa vụ hè-thu 2018 sinh trưởng tốt đang vào giai đoạn làm đòng. Bà con nông dân áp dụng nghiêm ngặt mô hình “1 phải, 5 giảm” thâm canh cánh đồng lớn hứa hẹn cho mùa vàng bội thu. Đứng trên cánh đồng Sân Cổng, sóng lúa trải dài xanh biếc, ông Quảng Đại Hoàng, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước Hậu, cho biết: Mô hình canh tác “1 phải, 5 giảm” gắn với cánh đồng lớn phát huy tốt hiệu quả sản xuất, được nông dân tự nguyện tham gia ngày càng đông. Nếu như vụ hè-thu 2017 khởi đầu thực hiện thí điểm cánh đồng lớn, HTX vận động 103 hộ tham gia mô hình cánh đồng lớn, với diện tích 56 ha. Đến vụ mùa 2017, HTX thu hút 247 hộ tham gia mô hình cánh đồng lớn 100 ha. Vụ đông-xuân, HTX mở rộng diện tích cánh đồng lớn 210 ha với 447 hộ tham gia, năng suất đạt bình quân 75 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, HTX liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố sản xuất lúa giống TH 41 với diện tích 56 ha và liên kết với Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát sản xuất lúa giống ML 48 với diện tích 30 ha. Diện tích còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn lúa hàng hóa chất lượng cao được các doanh nghiệp thu mua hết sản phẩm. Nông dân tham gia cánh đồng lớn được hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác đồng nhất, xuống giống đồng loạt theo mô hình “1 phải, 5 giảm” nên năng suất cao 5 tạ/ha, chi phí đầu tư giảm 4,8 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm 9,8 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất đại trà. Với trà lúa vụ hè-thu 2018 sinh trưởng tốt như hiện nay, năng suất cánh đồng lớn dự kiến đạt bình quân trên 75 tạ/ha.
Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Mô hình “1 phải, 5 giảm” là biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong giai đoạn hiện nay được áp dụng thâm canh cây lúa. Mô hình giúp nông dân canh tác lúa đạt năng suất cao, giảm chi phí đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế được nông dân đồng thuận nên mô hình này ngày càng lan tỏa sâu rộng trong sản xuất. Đặc biệt, mô hình “1 phải, 5 giảm” gắn với việc thực hiện mở rộng cánh đồng lớn thu hút đông đảo nông dân các địa phương tự nguyện tham gia. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, huyện Ninh Phước mở rộng cánh đồng lớn đối với cây lúa lên 2.000 ha gắn với mô hình canh tác “1 phải, 5 giảm”. UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào canh tác lúa theo hướng sản xuất gạo chất lượng cao, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu mạnh.
Sơn Ngọc