Thay vì theo đuổi một giải pháp mang tính thỏa thiệp, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-8 tuyên bố đã tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có ô tô, thuốc lá và rượu. Trong bối cảnh đồng lira đã giảm hơn 40% giá trị kể từ đầu năm 2018 đến nay, các nền kinh tế châu Âu đang nhận thấy rõ sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với họ.
Các nhà kinh tế của tổ chức nghiên cứu Bruegel, có trụ sở tại Brussels (Bỉ), tin rằng một cuộc khủng hoảng tài chính ở một nước láng giềng của Liên minh châu Âu (EU) có thể ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đối với nền kinh tế EU, chủ yếu thông qua các ngân hàng của châu Âu – nhất là Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Đức - đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động thương mại với Ankara.
Theo hai nhà kinh tế Gregory Claeys và Guntram B. Wolff, cho dù kinh tế châu Âu bắt đầu phục hồi từ năm 2013, một số nước châu Âu vẫn còn dễ bị tổn thương và điều này có thể thấy được qua phản ứng của các thị trường trái phiếu ở Hy Lạp và Italy trong những ngày qua.
Hai nhà kinh tế Gregory Claeys và Guntram B. Wolff tin rằng EU có khả năng ứng phó được các tác động kinh tế tiêu cực của một cuộc khủng khoảng tiền tệ có thể nghiêm trọng hơn tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước có Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức xấp xỉ 900 tỷ USD.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính-ngân hàng JPMorgan cũng đánh giá nguy cơ ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với các ngân hàng châu Âu là “rất lớn song có thể ứng phó được”.
Ngày 15-8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, không có dấu hiệu cho thấy giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc đề nghị hỗ trợ tài chính từ thể chế tài chính này. Trong một thông báo, người phát ngôn của IMF nêu rõ: "Trong bối cảnh thị trường bấp bênh gần đây, chính quyền mới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần thể hiện cam kết đối với các chính sách kinh tế hợp lý để thúc đẩy sự ổn định kinh tế vĩ mô và giảm tình trạng thiếu cân bằng".
HL (tổng hợp)