Sau hai cuộc gặp vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom (Pan-mun-chơn) ở khu phi quân sự giữa hai miền, việc Hàn Quốc và Triều Tiên ấn định thời gian địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo được cho là một bước tiến tích cực nữa trong quan hệ hai miền.
Nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 9 tới tại Bình Nhưỡng
Ngày 13-8, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành đàm phán cấp cao tại Tonginlak (Tôn-ghin-lắc), một tòa nhà của Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom, nhằm thảo luận về công tác tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Dẫn đầu phái đoàn tham gia đàm phán của Hàn Quốc là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon (Chô Miêng Kiên) trong khi dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên là Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Ri Son-gwon (Ri Xon Cuôn).
Tại cuộc đàm phán, trưởng phái đoàn Hàn Quốc, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon bày tỏ hy vọng rằng cuộc đối thoại lần này sẽ giải quyết bất kỳ bất đồng nào giữa hai bên. Trong khi đó, trưởng phái đoàn Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình, ông Ri Son-gwon cho biết vấn đề cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều là quan điểm và đường hướng chung cho tất cả người dân ở hai miền.
Kết thúc đàm phán, hai miền Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới. Động thái này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận đã được lãnh đạo hai nước nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4. Nếu như Tổng thống Moon Jae-in tới thủ đô Bình Nhưỡng, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới Triều Tiên trong hơn một thập kỷ kể từ sau chuyến thăm Bình Nhưỡng năm 2000 của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae Jung (Kim Tê Chung).
Sau khi hai miền Triều Tiên thông báo kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba vào tháng 9 tới, Bộ Ngoại giao Mỹ biết Washington đang liên lạc chặt chẽ với Seoul nhằm đưa ra biện pháp chung đối với Bình Nhưỡng. Trong trả lời hãng thông tấn Yonhap, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này "đang liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc về biện pháp chung đối với Triều Tiên". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, theo đó, việc cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc không thể tách rời với việc giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch hòa giải
Không thể phủ nhận mối quan hệ liên Triều đã có nhiều chuyển biến rất tích cực sau hai cuộc gặp thượng đỉnh vào các ngày 27-4 và 26-5 vừa qua đều tại làng đình chiến Panmunjom. Việc Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành cuộc đàm phán cấp tướng vào tháng 6, khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự giữa hai nước ở khu vực phía Tây Bán đảo Triều Tiên vào ngày 16-7, tiếp tục thực hiện các cam kết tiến tới phi vũ trang khu vực an ninh chung tại làng đình chiến Panmunjom... đã góp phần làm giảm căng thẳng cũng như xây dựng lòng tin giữa hai nước. Thêm vào đó, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Lotte, Hyundai, Hyosung và KT cũng đã lần lượt công bố các kế hoạch tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào Triều Tiên sau khi hai nước đã nhất trí cùng nhau cải thiện tuyến đường sắt liên Triều.
Ngoài ra, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, ngoại giao thể thao sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra đề nghị hòa bình hiếm hoi với Hàn Quốc trong thông điệp năm mới của mình cũng đã diễn ra. Triều Tiên đã cử đoàn vận động viên lớn chưa từng có gồm 492 người tới tham dự Olympic PyeongChang 2018, kỳ Olympic mùa Đông đầu tiên do Hàn Quốc làm chủ nhà. Tại lễ khai mạc Olympic PyeongChang 2018, các vận động viên của Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã cùng nhau diễu hành dưới lá cờ chung mang hình Bán đảo Triều Tiên thống nhất và hai bên đã lập một đội khúc côn cầu trên băng nữ chung để thi đấu trong sự kiện thể thao này. Triều Tiên cũng cử một đoàn gồm 150 vận động viên tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại PyeongChang 2018. Hàng loạt động thái này đã giúp gắn kết người dân Hàn Quốc và Triều Tiên, góp phần thúc đẩy bầu không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, Seoul và Bình Nhưỡng đang cùng nhau thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. Cuộc đoàn tụ dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến ngày 26-8 tới sẽ đánh dấu một bước tiến nữa trong nỗ lực đưa hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau.
Mặc dù vậy, kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên dường như đang "dẫm chân tại chỗ". Mỹ đang gây sức ép đối với Triều Tiên khi cho rằng Bình Nhưỡng cần thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa trong đó có việc công bố chi tiết kho hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên đề nghị Mỹ thực hiện cam kết đã đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (Đô-nan Trăm) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12-6 tại Singapore thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin trong đó có việc tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Trước đó, tại hội thượng đỉnh liên Triều diễn ra ngày 27-4, lãnh đạo hai miền Triều Tiên cũng đã đồng ý thúc đẩy một tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc thực hiện một động thái mang tính biểu tượng cao như vậy trước khi Bình Nhưỡng tiến hành các bước có ý nghĩa hơn đối với tiến trình phi hạt nhân hoá. Trong tuyên bố mới nhất ngày 13-8, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris (Ha-ri Ha-rít) khẳng định còn quá sớm để tiến tới việc tuyên bố kết thúc chính thức Chiến tranh Triều Tiên như yêu cầu của Bình Nhưỡng. Về phần mình, Triều Tiên coi một tuyên bố như vậy là cần thiết để cho thấy Mỹ không còn thù địch với họ.
Dẫu còn những vấn đề phức tạp giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng với việc duy trì đà tích cực hiện nay cũng như việc Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào mùa Thu này tại Bình Nhưỡng cho thấy thiện chí và những nỗ lực nhằm thúc đẩy các kế hoạch hòa giải của hai miền Triều Tiên.
Theo TTXVN