Đáp trả lẫn nhau
Ngày 8-8-2018, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Washington kết luận rằng Moskva đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal cùng với con gái Yulia tại Anh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert (Hít-thơ Nau-ớt) tuyên bố Mỹ xác định việc Nga "sử dụng hóa chất hoặc vũ khí hóa học đã vi phạm luật pháp quốc tế". Dự kiến, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 22-8 tới.
Trong khi đó, hãng tin NBC dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những biện pháp trừng phạt sẽ được thực thi thành 2 đợt, với tác động lớn nhất từ các lệnh trừng phạt ban đầu, trong đó có việc cấm cấp giấy phép xuất khẩu các hàng hóa an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga.
Ngày 9-8, Đại sứ quán Nga tại Mỹ chỉ trích việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moska liên quan vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh hồi đầu năm nay.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng lý do Washington đưa ra để áp đặt trừng phạt - theo đó cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc - là gượng ép. Tuyên bố nhấn mạnh không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Mỹ, trong khi phía Mỹ vẫn từ chối giải đáp các thắc mắc của Nga. Tuyên bố nêu rõ Moskva tiếp tục chủ trương tiến hành một cuộc điều tra công khai và minh bạch về vụ việc trên.
Cùng ngày, Điện Kremlin cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt mới do Mỹ áp đặt với nước này là trái với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định hệ thống tài chính của Nga vẫn ổn định.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Đmi-tơ-ri Pê-xcốp) cho rằng động thái của Mỹ "hoàn toàn không thân thiện", đi ngược lại bầu không khí mang tính xây dựng trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phần Lan hồi tháng trước, song Moskva vẫn tiếp tục hy vọng về một sự cải thiện trong quan hệ song phương. Ông Peskov nhấn mạnh: "Gắn chúng tôi với những sự kiện này (vụ đầu độc tại Anh) là không thể chấp nhận và những biện pháp hạn chế mà phía Mỹ từng thông qua trước đây là hoàn toàn phi pháp và không phù hợp với luật pháp quốc tế".
Ngoài ra, ông Peskov cho biết vẫn còn quá sớm để nói về những biện pháp đáp trả của Moskva cho đến khi nước này có thêm thông tin về những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.
Cũng trong ngày 9-8, hãng thông tấn RIA dẫn lời nghị sĩ Nga Sergei Ryabukhin (Xéc-gây Ri-a-bu-khin) cho biết nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, Moskva có thể hạn chế xuất khẩu động cơ tên lửa RD-180 sang Mỹ.
Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đang xem xét các biện pháp đáp trả sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt đợt trừng phạt mới nhằm vào Moskva liên quan vụ một cựu điệp viên và con gái ông này bị đầu độc tại Anh.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ma-ri-a Da-kha-rô-va) khẳng định không có bằng chứng nào chứng minh Moskva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái. Bà nhấn mạnh lý do Mỹ đưa ra để áp đặt trừng phạt Nga là bịa đặt.
Sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moskva liên quan vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh, đồng ruble đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong gần 2 năm qua,
Cụ thể, tỷ giá đồng ruble sáng 9-8 giảm xuống 66,48 ruble đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Đồng thời, chỉ số chứng khoán RTS của Nga cũng giảm 3,2% và chỉ số MOEX giảm gần 1,2%. Các ngân hàng Nga cũng bị ảnh hưởng, trong đó giá cổ phiếu của ngân hàng nhà nước Sberbank giảm 4,7%.
Cần sự cân nhắc kỹ lưỡng
Lật lại hồ sơ vụ điệp viên Skripal, ngày 4-3 vừa qua, người ta đã phát hiện Sergei Skripal, cựu Đại tá thuộc Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU), 66 tuổi, cùng với con gái là Yulia, 33 tuổi, nằm bất tỉnh trên một chiếc ghế băng ở thành phố Salisbury (Xa-li-xbơ-ri), miền Nam nước Anh. Cả hai được xác định là bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok và đến nay đều đã phục hồi. Mặc dù chưa có kết luận điều tra quốc tế và hai cha con ông Skripal cũng không đưa ra tuyên bố nào, nhưng phía Anh cho rằng ông Skripal có thể bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok được sản xuất tại Nga và cáo buộc Moskva dính dáng đến vụ đầu độc này. Dù khẳng định Anh không muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Nga nhưng Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) đã ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh, cảnh báo phong tỏa các tài sản của Nga trên lãnh thổ Anh, và đình chỉ các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây trục xuất hàng trăm các nhà ngoại giao Nga. Bên cạnh đó, Thủ tướng May còn tuyên bố sẽ không có thành viên nào trong Hoàng gia hoặc bất cứ thành viên nội các nào của Anh tham dự Vòng chung kết World Cup 2018 được tổ chức ở Nga.
Về phía Nga, nước này luôn khẳng định hoàn toàn không liên quan đến vụ việc xảy ra tại thành phố Salisbury, đồng thời cho rằng các cáo buộc của Anh là không có căn cứ và mang động cơ chính trị nhằm đưa thông tin sai lệch cho cộng đồng quốc tế, điều mà Nga không thể chấp nhận. Nga cũng tuyên bố trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Nga cũng bày tỏ sẵn sàng phối hợp điều tra với Anh trong vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal.
Thực tế cho thấy các đồng minh của Anh đều bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal cùng với con gái gây căng thẳng giữa Anh và Nga. Mỹ kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với phía Anh trong tiến trình điều tra xoay quanh vụ việc gây chấn động này. Các nước EU cho rằng Anh nên tiếp tục duy trì liên lạc và đối thoại với Nga để giải quyết những bất đồng giữa hai bên.
Sau thời gian quan hệ giữa Nga với phương Tây căng thẳng tới đỉnh điểm, mà một phần là do vụ Skripal, trong thời gian gần đây, hình ảnh và vai trò của nước Nga trở nên nổi bật thông qua những hoạt động ngoại giao và đặc biệt là qua sự kiện World Cup 2018 diễn ra ở 11 thành phố của "xứ sở Bạch Dương". Quan hệ Nga - Mỹ có tín hiệu tích cực khi hai nước đã tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (Đô-nan Trăm) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào ngày 16-7. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ Trump cũng đã kêu gọi Nga gia nhập trở lại Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G-7). Tuy nhiên những tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa Nga và Mỹ lại khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu lo ngại. Các nhà phân tích cho rằng, việc lãnh đạo Nga-Mỹ xích lại gần nhau sau khi ông Trump có những tuyên bố và hành động gây bất hòa với các đồng minh của Washington ở cả G-7 lẫn NATO được nhìn nhận chẳng khác gì "cái tát" đối với các nhà lãnh đạo phương Tây, nhất là Thủ tướng Anh Theresa May, người vốn đã "thành công" khi kêu gọi được nhiều nước NATO và EU trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc. Việc Tổng thống Mỹ Trump kêu gọi Nga gia nhập trở lại G7 cũng làm tăng thêm sự rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ-Anh cũng như thách thức "tình đoàn kết" xuyên Đại Tây Dương.
Bởi vậy, trong việc Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Washington kết luận rằng Moskva đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng với con gái Yulia tại Anh, phía Nga có cớ để nghi ngờ rằng có vẻ như lại có thêm một “âm mưu” nữa nhằm phá hỏng không khí tích cực hiện nay. Trong khi đó, nhà nghiên cứu chính trị Aydın Sezer (Au-din Xê-dơ), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở Istanbul, cho rằng các nước phương Tây đã lợi dụng vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal để thổi phồng tâm lý chống Nga.
Rõ ràng, khi sự thật chưa được làm sáng tỏ, Mỹ và Nga cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các hành động nhằm tránh căng thẳng ngoại giao với những hậu quả khôn lường.
Theo TTXVN