Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Đây là nội dung cốt lõi nêu trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã được Đại hội tập trung thảo luận và qua đó khẳng định một số vấn đề cơ bản sau đây:
Cương lĩnh năm 1991 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng thông qua, có giá trị định hướng và chỉ đạo to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong suốt trong hai thập kỷ qua. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh đã chứng tỏ sự đúng đắn và sức sống mãnh liệt của Cương lĩnh năm 1991.
Cổng vào Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: Tuấn Dũng
Tuy nhiên, từ khi cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều chuyển biến to lớn và sâu sắc. Nhiều vấn đề mới nảy sinh từng bước được Đảng ta nhận thức và giải quyết có hiệu quả; nhiều vấn đề liên quan đến Cương lĩnh đã có nhận thức mới, sâu sắc hơn, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ hơn; đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần được giải đáp. Do đó, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 là việc làm hết sức cần thiết.
Kế thừa những nội dung cơ bản của Cương lĩnh năm 1991: bổ sung, phát triển những nội dung đã được các Đại hội VIII, IX, X của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (từ khóa VII đến khóa X) kết luận, những nội dung đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng; trên cơ sở đó, nhất trí với Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) về việc tiếp tục khẳng định: Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đồng thời, tán thành với những bổ sung, phát triển về những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.
Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Các phương hướng cơ bản để thực hiện các mục tiêu trên:
Một là, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.
Bảy là, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Các mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản, đó là:
- Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
- Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
- Giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.
- Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
- Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
(Còn nữa)