Để khai thác lợi thế so sánh, cách làm của huyện là rà soát loại hình hình sản xuất, lựa chọn những loại cây trồng đặc trưng ở vùng núi để ưu tiên đầu tư phát triển theo quy mô tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào cung cấp cho thị trường cả nước. Với việc hoạch định chiến lược phát triển đúng hướng, đến nay trên địa bàn đã hình thành vùng cây ăn quả ở Lâm Sơn, vùng nho nguyên liệu rượu vang ở xã Mỹ Sơn, vùng trồng mía, mì ở xã Quảng Sơn, Hòa Sơn quy mô lớn nhất tỉnh. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy vào ngày 18-7 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao tinh thần sáng tạo của Huyện ủy, UBND huyện trong lãnh đạo phát triển nông nghiệp qua việc chú trọng áp dụng linh hoạt các mô hình sản xuất phù hợp với lợi thế từng vùng, đây là cốt lõi để mặt hàng nông sản của địa phương tạo được sự khác biệt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hướng tới nâng tầm giá trị sản phẩm trái cây, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng cây ăn quả đặc sản Lâm Sơn gắn với du lịch sinh thái, đã làm thay đổi căn bản về cách thức sản xuất. Nhờ có chính sách hỗ trợ của huyện, nông dân cải tạo vườn cây ăn quả, trồng thêm các giống cây có giá trị kinh tế cao. Kết quả, có 70 hộ tham gia thực hiện chương trình đã chỉnh trang vườn, với tổng diện tích gần 20 ha, mô hình đang tiếp tục được nhân rộng, theo lộ trình đến năm 2020 đạt 400 ha. Thành công trong phát triển du lịch nông nghiệp của Ninh Sơn tạo ra nguồn thu lớn cho nông dân rất đáng để những nơi khác học hỏi kinh nghiệm làm theo.
Nông dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) vào mùa thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Văn Miên
Trên tiến trình hướng tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, Ninh Sơn sớm nhận ra rằng, để tự thân nông dân xoay xở khó mà tới đích, từ đó địa phương có chính sách thu hút doanh nghiệp đến địa phương đầu tư sản xuất các loại cây lợi thế. Trồng nho theo công nghệ Châu Âu của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận đã chứng minh cho việc Huyện ủy, UBND huyện Ninh Sơn lãnh đạo có hiệu quả trong thu hút đầu vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó khai thác được nguồn lực đất đai miền núi để phát triển. Từ vùng đất đồi sản xuất kém hiệu quả, doanh nghiệp cải tạo trồng nho áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao đã nâng cao giá trị đơn vị sản xuất lên gấp nhiều lần so với canh tác cây bắp, đậu… trước đây. Nghề trồng nho nguyên liệu rượu vang đang trên đà phát triển lên tầm cao hơn, khi hiện nay công ty đang xúc tiến mở rộng quy mô sản xuất kết hợp đón khách du lịch tham quan miệt vườn, thưởng thức sản phẩm vang nho tại chỗ. Cùng với đó, mô hình trồng hoa lan trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao ở xã Lâm Sơn cũng cho thấy doanh nghiệp có đóng góp lớn trong việc đánh thức tiềm năng để phát triển bền vững. Có thể nói, trong tiến trình phát triển, Ninh Sơn luôn cầu thị, tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của nước ngoài để tạo đột phá mới.
Đóng gói sản phẩm ớt bột tại Nhà máy Chế biến ớt ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn).
Nhờ có sự hỗ trợ của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) trong việc xây dựng Nhà máy xay ớt với thiết bị dây chuyền chế biến hiện đại, huyện trở thành địa phương đi đầu trong xác lập được quy trình sản xuất nông nghiệp sạch khép kín từ khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động với năng lực sản xuất tối đa 90 tấn ớt bột/năm, huyện đang tiến hành khảo sát, mở rộng vùng trồng ớt sang các xã Lương Sơn, Mỹ Sơn, mở ra triển vọng làm giàu mới cho nông dân trong khu vực. Không dừng lại đó, huyện cũng đang đẩy mạnh mở rộng diện tích các loại cây chủ lực; trong đó, xác định cây điều có lợi thế ở vùng núi, tập trung mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop Ninh Sơn đang tiến hành phối hợp với địa phương khảo sát, lựa chọn các hộ dân tham gia liên kết trồng điều, cam kết thu mua, sản xuất và chế biến theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn châu Âu.
Anh Tùng