(NTO) Trong tháng qua, tuy các đàn cá nổi với trữ lượng không dày và xuất hiện trong thời gian ngắn (cá cơm, cá nục) nhưng đã có khoảng 90% tàu cá tỉnh ta rời bờ khai thác, đạt sản lượng 8.410,5 tấn hải sản các loại, nâng tổng sản lượng 6 tháng đầu năm lên 50.196,5 tấn, đạt 47,62% kế hoạch năm và vượt 13,02% cùng kỳ năm trước. Các nghề hoạt động hiệu quả có: Pha xúc, lưới vây, lưới rê, câu, mành…; trong đó, đáng chú ý là nghề lưới rê hoạt động ở khu vực từ giàn khoan DK1 đến gần vùng biển giáp ranh Malaysia.
Không phải là nghề mới, nhưng vì sao nghề lưới rê được chú ý? Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước hết cần biết lưới rê được đánh bắt theo nguyên tắc thả lưới chặn ngang đường di chuyển của cá, trên đường đi cá sẽ bị vướng vào mắt lưới và bị giữ lại trong lưới. Với đặc điểm có kích thước thay đổi theo chiều cao của lưới, có thể đánh bắt các đối tượng hải sản phân bố ở các tầng nước khác nhau, nghề lưới rê chia thành 3 loại: rê tầng mặt (rê nổi), rê tầng giữa (tức lưới cản) và rê tầng đáy (lưới quét); trong đó nghề lưới rê đáy là nghề đi xa bờ. Rê nổi và rê tầng giữa chuyên đánh các loài cá tầng mặt có giá trị kinh tế thấp như: chuồn, lồ ồ, nhái, ngừ, thu. Rê tầng đáy đánh bắt cá có giá trị kinh tế cao (loài không di cư) như: hồng, mú, gáy, đổng, tôm, mực nan…. Tỉnh ta hiện có 438 tàu cá hành nghề lưới rê, tập trung chủ yếu ở các phường Đông Hải, Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), trong đó có 82 chiếc (từ 20 CV đến dưới 50 CV), 44 chiếc (50 CV đến dưới 90 CV), 97 chiếc (90 CV đến dưới 250 CV), 32 chiếc (250 CV đến dưới 400 CV) và 83 chiếc (từ 400 CV trở lên). Tùy theo tầng lưới đánh bắt, các tàu lưới rê có công suất khác nhau.
Tàu lưới rê ở Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chuẩn bị lưới đánh bắt hải sản.
Anh Nguyễn Quách Trường Thanh, Trưởng Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết: “Phạm vi hoạt động của nghề lưới rê chủ yếu từ đảo Phú Quý (Bình Thuận) đến đảo Côn Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Nghề lưới rê di chuyển liên tục, khi đánh bắt xa thường kết hợp đánh cả 3 phần lưới nên có thể khai thác được tất cả các loại cá”. Về kỹ thuật, lưới rê có thể đánh bắt ở độ sâu 500-700 m hoặc cả ngàn mét. Chiều dài của lưới rê phụ thuộc vào quy mô sản xuất, có thể dài từ 3-4 km đến 10 hoặc 15 km. Mỗi chuyến đánh bắt của nghề lưới rê kéo dài khoảng nửa tháng, có lúc từ 20-25 ngày. Để hành nghề, tàu lưới rê trung bình có từ 7 đến 10 lao động với thao tác kéo lưới, xếp lưới, gỡ cá, ngoài ra còn có máy móc, tời kéo lưới nên đỡ phụ thuộc vào bạn. Nếu đánh bắt đạt, tàu lưới rê chở đầy có thể thu được từ mỗi chuyến biển 300-500 triệu đồng. Có những tàu đánh được cá có giá trị kinh tế cao, mỗi chuyến biển chỉ cần đạt sản lượng 2-3 tấn, tổng doanh thu sẽ có thể được 1 tỷ đồng. Nghề lưới rê vốn là nghề được nhà nước hỗ trợ, có chính sách khuyến khích, cho vay ưu đãi nên ngư dân có cơ hội phát triển hoặc thuận lợi hơn khi chuyển từ nghề khác sang.
Nghề lưới rê có thể hoạt động quanh năm, trong đó mùa chính bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 (Âm lịch). Song, đối với lưới rê đáy, vốn là nghề lưới chuyên đánh cá đáy, không ít tàu chọn vụ bấc là vụ chính vì khi biển động khai thác được nhiều mẻ cá đáy hơn và có thể bán được gấp một rưỡi hoặc gấp đôi giá bán của vụ nam. Ngư dân Trần Công Bình ở khu phố 4, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) lý giải: Trong vụ cá bấc, ít tàu thuyền hoạt động, sản lượng không nhiều bằng đương nhiên giá cá luôn cao hơn. Ngoài lợi thế ấy, vụ bấc có đặc điểm là cá đáy xuất hiện nhiều nên nếu cứ ngại sóng gió, bỏ qua sẽ là một sự lãng phí rất đáng tiếc. Điều này thấy rõ qua hoạt động đánh bắt cuối vụ bấc vừa qua (tháng 2, tháng 3), ở phường Mỹ Đông có 2 tàu cá của bà Lê Thị Bé Bông và Lê Thị Phương khai thác bằng lưới rê doanh thu đạt 1 tỷ đồng/chuyến biển. Hiện nay, ở cảng cá Đông Hải không chỉ có tàu lưới rê của ngư dân địa phương mà còn có cả tàu lưới rê các tỉnh bạn. Anh Nguyễn Văn Nhớ, chủ tàu cá 450 CV của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang cập cảng, chia sẻ: Tàu lưới rê công suất lớn chuyên đi khơi đánh bắt, tàu tôi vừa khai thác hải sản từ Trường Sa về đạt sản lượng trên 10 tấn, theo tôi nghề này đánh bắt vụ nam hay vụ bấc đều rất hiệu quả nếu hoạt động trên vùng biển khơi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 43 dự án vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ở tỉnh ta đã hoàn thành đi vào hoạt động, có 18 tàu hành nghề lưới rê, cụ thể Đông Hải có 6 chiếc, Mỹ Đông có 11 chiếc và Phước Diêm (Thuận Nam) có 1 chiếc. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trong xu thế giảm dần nghề lưới giã cào nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lưới rê là lựa chọn thích hợp của khá đông ngư dân Đông Hải, Mỹ Đông nói riêng và ngư dân trong tỉnh nói chung. Đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm lao động biển, với ưu điểm về thời gian đi biển ngắn, nhu cầu lao động ít, hiệu quả khai thác cao, nghề lưới rê đang chứng minh lợi thế, tiếp tục hướng tới cơ giới hóa nghề cá và giảm hẳn sự phụ thuộc vào bạn.
Bạch Thương