Những vướng mắc qua thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 76 cơ sở giết mổ gia súc và 1 cơ sở giết mổ gia cầm nằm phân tán tại 29 xã, phường, thị trấn. Trong số này còn có đến 90,9% là cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ, chỉ có 7 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 9,1%), trong đó, 6 cơ sở giết mổ gia súc với công suất trên 50 con và 1 cơ sở giết mổ gia cầm công suất hơn 200 con/ngày.

Trong số 7 cơ sở giết mổ tập trung, có 6 cơ sở đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, còn cơ sở giết mổ Mỹ Hương ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã xuống cấp trầm trọng thì đang chờ di dời vào cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt chuẩn. Còn lại, 70 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phần lớn nằm xen kẽ trong khu dân cư như không có nơi xử lý nước thải, bố trí khu vực giết mổ chưa phù hợp và theo phương thức thủ công, ngay trên nền sàn, dễ dẫn đến nhiễm bẩn chéo giữa các khâu nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và gây ô nhiễm môi trường. Đến thời điểm hiện tại mới có 10/77 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (chiếm 13%), còn lại 67 cơ sở khác chưa đăng ký thẩm định hoặc chưa đầy đủ hồ sơ và điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. Điều này dẫn đến việc sử dụng thịt giết mổ tại những cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y tối thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và nguy cơ tiềm ẩn, mầm mống lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và gây ô nhiễm môi trường sống cho người dân chung quanh là rất lớn.

 

Cán bộ Thú y kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch động vật tại Cơ sở giết mổ
gia súc, gia cầm tập trung Đức Hòa (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) trước khi đưa ra thị trường.

Để khắc phục tình trạng nói trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện Đề án Giết mổ tập trung, xây dựng kế hoạch sắp xếp, xử lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo điều kiện quy định trên địa bàn, với lộ trình thời gian phù hợp, đảm bảo khả thi, hiệu quả, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay, có 6/7 huyện, thành phố (trừ Thuận Bắc) ban hành kế hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn và bảo đảm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP. Hiện nay, đã có 2 cơ sở xây mới, gồm: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Đức Hòa tại phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) với công suất giết mổ 195 con gia súc/ngày-đêm; hộ kinh doanh La Thị Kim Phượng đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ tập trung dê, cừu với công suất giết mổ 100 con/ngày tại thôn Phước Lập, xã Phước Nam (Thuận Nam). Bên cạnh đó, có 4 cơ sở đã sửa chữa, nâng cấp và 1 cơ sở đang xây dựng của Công ty TNHH Nhật Thành FOOD với công suất giết mổ 400 con gia súc/ngày-đêm tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2019.

Tuy nhiên, nhận thức của một số chủ cơ sở, nhất là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ về bảo đảm vệ sinh ATTP chưa thật sự đúng mức. Mặt khác, các cấp chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát không đảm bảo vệ sinh ATTP. Do thiếu kiên quyết trong xử lý, nên một số doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư cơ sở giết mổ tập trung. Ông Nguyễn Đức Tịnh, chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Đức Hòa bức xúc: Cơ sở chúng tôi có công suất giết mổ 195 con gia súc/ngày-đêm, với tổng kinh phí đầu tư 4,5 tỷ đồng; trang thiết bị cho việc giết mổ bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, hệ thống xử lý chất thải được thiết kế đúng theo quy định về bảo vệ môi trường. Khi chuẩn bị đi vào hoạt động, hơn 80% hộ giết mổ trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã đăng ký đem gia súc đến đây giết mổ. Do địa phương chậm xử lý các cơ sở không đạt chuẩn nên số lượng gia súc đem đến giết mổ tại cơ sở chúng tôi có hạn, dẫn đến thua lỗ thường xuyên. Ông Nguyễn Đức Tịnh lo lắng, nếu đến cuối tháng 7 này tình trạng nói trên không xử lý dứt điểm thì ông đành phải sang nhượng cơ sở giết mổ mới đầu tư để... cắt lỗ kéo dài và tránh nguy cơ phá sản!

Theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện kế hoạch sắp xếp và xử lý các cơ sở giết mổ không đủ điều kiện theo các quy định hiện hành cần phải phân nhóm lại cơ sở và lộ trình thời gian di chuyển, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Riêng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cần thực hiện trước việc đưa gia súc, gia cầm vào cơ sở giết mổ tập trung đã được xây mới và đóng cửa các cơ sở giết mổ không đủ điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành, đặc biệt là cơ sở giết mổ Mỹ Hương đã xuống cấp trầm trọng (dự kiến đóng cửa vào ngày 31-7-2018). Tiếp theo, các huyện còn lại đồng loạt tổ chức đóng cửa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện ATTP (cơ sở giết mổ xếp loại C) và các cơ sở giết mổ tự phát trên địa bàn quản lý.