Xác định mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế từ nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ KH&KT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện còn khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có để xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp. Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Trước diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Từ thực tế trên, huyện đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể, nhằm khắc phục yếu tố bất lợi; trong đó, việc hình thành các mô hình sản xuất đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Để các mô hình phát huy hiệu quả và lan tỏa trên địa bàn, huyện đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ giúp nông dân có thêm điều kiện cải thiện kinh tế gia đình; đồng thời, thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương phát triển toàn diện.
Mô hình nuôi bò vỗ béo, đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Phước Nam (Thuận Nam).
Từ nguồn vốn của các chương trình và ngân sách địa phương, huyện triển khai, thực hiện hàng chục mô hình khuyến nông có hiệu quả. Lĩnh vực nuôi, trồng thủy sản, huyện tiến hành quy hoạch vùng nuôi tập trung quy mô lớn, các đối tượng nuôi, trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; tiêu biểu như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương, nuôi cá bớp, trồng rong sụn tập trung chủ yếu ở xã Phước Dinh, với tổng diện tích gần 150 ha. Ngoài ra, các mô hình trồng trọt thích ứng với hạn hán, như: Mô hình tưới nước tiết kiệm trên 190 ha đối với cây nho, cỏ chăn nuôi ở Phước Nam, Phước Ninh, giảm đáng kể lượng nước tưới, tăng năng suất cây trồng; mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng ở Phước Nam 30ha/88 hộ tham gia, cho năng suất bình quân đạt từ 7,5-8 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1,5 tấn/ha. Thông qua chuyển đổi cây trồng, địa phương cũng đã hỗ trợ nông dân ở các xã Nhị Hà, Phước Minh… khai thác hiệu quả vùng đất canh tác kém hiệu quả chuyển sang trồng một số cây mới, như: Mãng cầu, bưởi da xanh, thanh long… với diện tích khoảng 32 ha, đến nay đã khẳng định được giá trị kinh tế và được nông dân đón nhận.
Trong chăn nuôi, mô hình nuôi bò vỗ béo; dê, cừu sinh sản đang có xu hướng phát triển mạnh ở các xã, nhiều nông hộ mạnh dạn đầu tư chuồng trại quy mô, mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, đem lại thu nhập cao. Đặc biệt, đối với xã miền núi Phước Hà, từ chính sách hỗ trợ đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều chương chình, dự án của Nhà nước hỗ trợ, giúp bà con có điều kiện tiếp cận hình thức chăn nuôi mới, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững. Điển hình như hộ ông Pa Tâu A Xá Chú, ở thôn Giá, cuối năm 2013 được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 13 triệu đồng, ông đầu tư mua 2 con bò về nuôi. Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi hiệu quả, nên đàn bò phát triển nhanh, từ số tiền bán bò, gia đình tích lũy được vốn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; quy hoạch chi tiết thế mạnh từng vùng, bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý.
Hồng Lâm