Trong điều kiện thời tiết tiếp tục khô hạn gây thiếu nước cục bộ tại một số số địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ổn định sản xuất lâu dài là rất cần thiết. Chính vì vậy, các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả theo hướng bền vững.
Đến thời điểm này, lượng nước tích tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn xấp xỉ 93 triệu m3, chiếm chưa đến 50% dung tích thiết kế, trong đó, một nửa số hồ chứa đã cạn kiệt gây hạn hán cục bộ. Theo dự báo, nắng nóng tiếp tục kéo dài đến tháng 9, nguy cơ một số hồ sẽ tiếp tục đối diện với tình trạng thiếu nước tưới. Trước tình hình này, bên cạnh việc tạm ngưng sản xuất 6.438ha, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương, nhất là những địa phương thường khó khăn về nước tưới.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chuyển đổi trồng măng tây xanh
cho hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Duy Anh
Theo ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 558,8 ha, tương đương 101,8% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, diện tích chuyển đổi cây ngắn ngày là 411 ha, chiếm 73,5% và cây dài ngày với diện tích chuyển đổi là 147,8 ha chiếm 26,5%.
Theo đánh giá từ kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian qua, các địa phương đã chuyển đổi các loại cây trồng như: cây đậu xanh với diện tích 64,5 ha, bắp 76 ha, dưa hấu 108,7 ha, măng tây xanh 3,9 ha và cỏ chăn nuôi 22,7 ha. Bên cạnh đó, các địa phương còn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi, mãng cầu, thanh long. Đây là đối tượng cây trồng xác định chuyển đổi bền vững.
Một trong những địa phương chuyển đổi trồng cây đậu xanh hiệu quả là thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) với diện tích trên 50 ha trong tổng số 65,5 ha trồng đậu xanh của toàn tỉnh. Theo bà Lê Thị Ngọc Kim, cán bộ nông nghiệp UBND xã Mỹ Sơn, từ định hướng và vận động của chính quyền địa phương, người dân đã chuyển dần diện tích trồng lúa sang trồng đậu xanh để tiết kiệm nước. Qua vụ sản xuất vừa thu hoạch, trung bình mỗi ha đậu cho năng suất trên 10 tạ, với giá bán 25.000 - 27.000 đồng/kg người trồng đậu xanh ở đây thu lãi trên 20 triệu đồng/ha. Cao hơn 1,2 lần so với trồng lúa trên cùng chân ruộng. Không những thế, việc trồng đậu còn góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất và tạo nguồn thức ăn cho gia súc.
Đối với diện tích trồng bắp, các địa phương đã liên kết với Công ty cổ phần CP Việt Nam và Công ty Cổ phần giống cây trồng Đông Nam để sản xuất 76 ha. Trong đó có 50% diện tích trồng bắp giống, qua thu hoạch cho năng suất đạt 80 tạ/ha. Với giá bán trung bình 9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân đã thu về lợi nhuận cao hơn trồng lúa khoảng 4,8 lần. Riêng đối với bắp thương phẩm năng suất đạt 55 tạ/ha, với giá bán 6.200 đồng/kg, người dân vẫn lãi khoảng 15,7 triệu đồng/ha, cao hơn 1,4 lần so với trồng lúa. Bên cạnh việc chuyển đổi các loài cây lương thực-thực phẩm, các địa phương cũng đã chuyển đổi sang trồng măng tây xanh và trồng cỏ chăn nuôi với diện tích, năng suất và hiệu quả ngày càng được nâng lên…
Theo ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nông dân. Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần tiết kiệm được lượng nước tưới, hạn chế khai thác nước ngầm, để dành lượng nước phục vụ cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc và đảm bảo tưới cho các vụ tiếp theo; hạn chế việc bỏ hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng góp phần tạo sự liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản, cung ứng giống cho nông dân trong mỗi vụ sản xuất. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân đã dần nhận thức rõ vấn đề tiết kiệm nước để duy trì sản xuất một cách ổn định.
Anh Tuấn