Xã Phước Trung hiện có 607 hộ, với 2.641 người dân, đồng bào Raglai chiếm trên 95% dân số. Đời sống nông dân dựa vào nguồn thu nhập từ canh tác lúa, hoa màu tưới bổ sung từ hệ thống thủy lợi Phước Nhơn và Phước Trung kết hợp chăn nuôi gia súc. Nông dân địa phương chăn nuôi trên 5.497 con gia súc tập trung chủ yếu ở các thôn: Đồng Dày, Rã Giữa, Rã Trên. Trong đó, đàn trâu bò có 2.910 con; dê, cừu có 2.209 con; heo đen có 378 con. Ngoài ra, một số nông hộ ở các xã: Xuân Hải, Mỹ Sơn, Nhơn Sơn đến xây dựng chuồng trại chăn nuôi 6.137 con dê, cừu và 564 con bò, nâng tổng đàn gia súc trên địa bàn xã lên trên 12.200 con. Tuy chăn nuôi gia súc trong điều kiện khô hạn kéo dài nhưng nông dân vẫn duy trì tốt số lượng đàn. Các nông hộ đào ao, trồng cỏ, dự trữ rơm, thân cây bắp, cây đậu cung cấp thức ăn cho gia súc vượt qua những tháng khô hạn. Từ trung tuần tháng 5 đến nay, thời tiết thường xuyên có mưa, đồng cỏ tự nhiên lên xanh kết hợp nguồn lá rừng tươi tốt giúp đàn gia súc phục hồi thể trạng. Chăn nuôi gia súc gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, bảo đảm thu nhập và nâng cao đời sống nông dân địa phương. Các nông hộ: Sằn Quang Dưỡng, Katơ Thoái ở thôn Rã Giữa, Sằn A Tằng ở thôn Rã Trên…là những nông dân điển hình có thu nhập cao từ chăn nuôi gia súc có sừng ở xã Phước Trung.
Đàn cừu của gia đình ông Sằng Quang Dưỡng ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung (Bác Ái).
Chúng tôi đến thăm gia trại của ông Sằn Quang Dưỡng ở thôn Rã Giữa chăn nuôi 200 con cừu mập mạp căng tròn phơi bộ lông trắng muốt trong nắng sớm. Anh Tain Khai, người chăn cừu cho ông Dưỡng, tất bật mở cửa chuồng lùa đàn cừu chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên dưới tán rừng xã Phước Trung. Ông Dưỡng cho biết: Nhìn thấy xã Phước Trung có đồng cỏ tự nhiên rộng lớn rất thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc, ông đưa gia đình từ Mỹ Sơn lên Phước Trung lập nghiệp từ năm 1992 đến nay. Buổi đầu, vợ chồng ông dành dụm vốn liếng mua 30 con cừu nái nuôi sinh sản chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên kết hợp trồng 7 sào cỏ voi cung cấp thêm nguồn thức ăn xanh cho đàn cừu. Ông chăm sóc đàn cừu chu đáo, tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Đàn cừu của gia đình ông sinh sôi phát triển bền vững. Qua nhiều lần bán cừu xây dựng nhà ở khang trang và đầu tư mở rộng sản xuất đến nay đàn cừu của ông còn 200 con vượt qua mùa khô hạn nhờ chủ động nguồn thức ăn và nước uống kết hợp xử lý chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tiêm vắc- xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Đồng chí Chamaléa Thị Lánh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung cho biết: Cấp ủy xã vừa ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã, giai đoạn 2018- 2020. Theo đó, cấp ủy và chính quyền địa phương huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ giúp bà con chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng con giống heo đen và sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Chú trọng đưa các giống bò lai có tầm vóc to lớn, chất lượng thịt cao thay thế dần giống bò địa phương tầm vóc nhỏ. Xây dựng 3 điểm chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trở thành mô hình kiểu mẫu cho nông dân học tập kinh nghiệm. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các ngành, các cấp giúp 1-2 con bò giống cho 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện chăn nuôi gia súc. Tổ chức các lớp tập huấn giúp nông dân nâng cao kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc. Chuyển dịch đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ với diện tích 30 ha và 10 ha cỏ xen canh cung cấp thức ăn cho đàn gia súc có sừng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng đàn gia súc của nông dân địa phương đạt 9.350 con, đạt giá trị sản xuất trên 3,5 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, góp phần giảm 5% số hộ nghèo/năm.
Sơn Ngọc