Điều này cho thấy, các chương trình tín dụng, dòng vốn chính sách ưu đãi của NHCSXH đã đến tận tay hàng ngàn hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.
Không chỉ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, việc huy động nguồn vốn, quản lý, thu hồi nợ cũng được NHCSXH tỉnh kiểm soát chặt chẽ. Trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của đơn vị đạt 145,474 tỷ đồng, tăng 64,448 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn huy động từ tiền gửi của tổ chức, cá nhân 78,454 tỷ đồng, tăng 40,775 tỷ đồng và vốn huy động từ tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn trên 67 tỷ đồng, tăng 23,683 tỷ đồng. Đối với công tác thu hồi nợ, từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn bám sát cơ sở để đôn đốc, tăng cường phối hợp các xã, phường, các tổ, nhóm vay vốn để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp. Nhờ đó, trong 6 tháng năm 2018, doanh số thu nợ của đơn vị đạt 339 tỷ đồng, tăng hơn 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và bằng 69,5% doanh số cho vay.
Tính đến thời điểm hiện tại, NHCSXH tỉnh đang triển khai 17 chương trình tín dụng cho vay. Trong đó, vốn ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể: có tổng dư nợ 1.923,8 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, trong đó nhiều nhất là Hội Phụ nữ tỷ lệ nhận ủy thác chiếm 46,8%; Hội Nông dân nhận ủy thác chiếm 25,3%; Đoàn Thanh niên 16,3% và Hội Cựu chiến binh 11,5%. Về Tổ tiết kiệm và vay vốn, toàn tỉnh hiện có 1.639 tổ đang còn dư nợ. Qua đánh giá chất chượng tín dụng của NHCSXH tỉnh, có 1.358 tổ xếp loại tốt, 233 tổ xếp loại khá và 35 tổ xếp loại trung bình, số tổ xếp loại yếu còn 13 tổ (chiếm 0,8%), giảm 18 tổ so với quý I-2018 và giảm 3 tổ so với đầu năm.
Chị Quảng Thị Nhẹ ở thôn Hoài Trung, xã Phước Thái (Ninh Phước) nhờ sử dụng
nguồn vốn vay của ngân hàng hiệu quả nên cuộc sống gia đình ngày một khá lên.
Hiện nay, nguồn vốn còn tồn chưa giải ngân của NHCSXH là 77 tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn Trung ương còn tồn chưa giải ngân 70,66 tỷ đồng tập trung ở chương trình: Giải quyết việc làm 2,262 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn các hội, đoàn thể quản lý còn 764 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách UBND tỉnh còn 1,497 tỷ đồng; chương trình hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo 21,063 tỷ đồng; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 2,192 tỷ đồng; cho vay học sinh-sinh viên còn tồn 11,371 tỷ đồng; chương trình cho vay nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg còn tồn 4,535 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội còn 10 tỷ đồng và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg là 20 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn địa phương còn tồn chưa giải ngân 6,347 tỷ đồng; trong đó, tồn ở chương trình hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo 708 triệu đồng; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 1,245 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động còn tồn 3,960 tỷ đồng và nguồn vốn của Tỉnh đoàn còn 400 triệu đồng.
Để kịp thời giải ngân hết nguồn vốn trong năm, tại cuộc họp thường kỳ quý II đánh giá hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý III-2018 vừa tổ chức vào giữa tháng 7, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh yêu cầu Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Phòng giao dịch các huyện tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao năng lực trong công tác quản lý để chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó, trọng tâm là chỉ đạo giải ngân nhanh các chương trình có nguồn vốn còn tồn đọng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28-6-2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được kịp thời. Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm có cách làm hay ở cơ sở. Thường xuyên nắm bắt, theo dõi hoạt động tại địa bàn, nhất là những địa bàn có chất lượng tín dụng thấp, nợ quá hạn từ 1% trở lên để chỉ đạo thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu đến cuối năm duy trì nợ quá hạn dưới 0,5% và đạt mức bình quân toàn quốc.
Văn Thanh